.

Châu Âu lo ngại đầu tư từ Trung Quốc

Lâu nay thế giới biết đến Mỹ, châu Âu, Nhật Bản là những nền kinh tế hùng mạnh, có những nhà đầu tư lớn và rất hào phóng. Nhưng vài năm trở lại đây, đã xuất hiện một Trung Quốc có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh, có lượng vốn đầu tư ra nước ngoài lớn, thậm chí rất hào phóng tung ra các nguồn vốn để hỗ trợ cho các nước như một số thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang đối phó với các món nợ công khổng lồ có nguy cơ bị phá sản.

Trung Quốc đang nổi lên là một đối tác chủ chốt trong cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Bắc Kinh sở hữu lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, lên đến 2.648 tỷ USD, và một phần đáng kể trong đó là bằng đồng euro. Bắc Kinh mới đây đã cam kết ủng hộ Hy Lạp bằng việc mua trái phiếu của nước này trong tương lai. Trong chuyến thăm Bồ Đào Nha hồi tháng trước, Chủ tịch nước Trung Quốc cũng hứa giúp Lisbon thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 23-12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các nước thành viên khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone)  vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và phục hồi kinh tế. Trong tương lai, EU sẽ là một trong những thị trường chủ đạo cho hoạt động đầu tư ngoại hối của chúng tôi”. Trước đó, tại vòng đối thoại kinh tế - thương mại thường niên giữa Trung Quốc và EU diễn ra ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh đã bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và nói rằng Bắc Kinh hy vọng các nhà hoạch định chính sách EU sẽ có “hành động thiết thực” để đưa khối gồm 27 quốc gia này đi đúng quỹ đạo.

Tuy nhiên, trên trang nhất nhật báo kinh tế “Les Echos” của Pháp ngày 28-12 đăng bài viết tiêu đề “Brussels muốn ngăn cản việc Trung Quốc mua các công ty châu Âu” với nội dung cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo “Handelsbaltt” (Đức) của Ủy viên châu Âu về Công nghiệp Antonio Tajani, trong đó đưa ra lo ngại của ông này trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Cụ thể, các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng có khả năng mua được “các doanh nghiệp châu Âu sở hữu các công nghệ then chốt trong các lĩnh vực quan trọng”.
 
Theo ông Antonio Tajani, tuy đây là một hoạt động đầu tư kinh tế, nhưng “ẩn đằng sau đó là một chiến lược chính trị”, chính vì thế “châu Âu cũng cần phải phản ứng lại về mặt chính trị”. Dựa trên mô hình của Ủy ban phụ trách đầu tư nước ngoài của Mỹ, ông Antonio Tajani dự kiến thành lập một cơ quan kiểm soát đầu tư tại châu Âu. Theo Giám đốc Trung tâm Châu Á thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Pháp, mục tiêu của Trung Quốc là thâm nhập thị trường châu Âu, chiếm lĩnh một nhãn hiệu, một công nghệ hay một mạng lưới phân phối sản phẩm. Một số vụ mua bán gần đây càng làm tăng thêm mối lo ngại này tại khu vực, như vụ Geely mua lại Công ty Volvo (Thụy Điển), hay vụ Công ty Vận tải Cosco Trung Quốc mua quyền sử dụng một số khu vực chứa hàng của cảng biển Le Piree (Hy Lạp) trong vòng 35 năm.

Như vậy là sau khi rụt rè tiếp nhận sự ủng hộ của Trung Quốc đối với khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, châu Âu đang muốn thay đổi thái độ đối với việc đầu tư hào phóng của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, “Les Echos” cũng đặt câu hỏi liệu đến bao giờ Brussels mới chuyển lời nói thành hành động, bởi với khoản dự trữ 2.600 tỷ USD, khả năng tấn công của Bắc Kinh vào châu Âu là không thể xem thường.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.