Quan hệ Thái Lan - Campuchia gần đây tiếp tục có những bước cải thiện đáng kể. Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya, đang có mặt tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 60 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Thái Lan - Campuchia, đã tuyên bố với báo giới ngày 20-12 rằng ông hứa sẽ nỗ lực để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.
Đề cập đến chuyện Quốc hội Thái Lan trì hoãn kéo dài việc thông qua biên bản của ba cuộc họp Ủy ban Biên giới chung hai nước, khiến các cuộc gặp tiếp theo không thực hiện được, Ngoại trưởng Kasit Piromya cho biết, ông không tìm được giải pháp nào nhanh hơn vì đây là vấn đề thủ tục theo quy định của hiến pháp Thái Lan. Tuy nhiên, ông Kasit hy vọng Quốc hội Thái Lan sẽ xem xét và thông qua các biên bản nêu trên trong tháng 3-2011 vì Quốc hội Thái Lan đang trong thời kỳ nghỉ làm việc.
Ngoại trưởng Kasit Piromya khẳng định Thái Lan sẽ giải quyết mọi tranh chấp với Campuchia bằng các biện pháp hòa bình. Hai nước sẽ tổ chức hội đàm song phương thường xuyên nhằm ngăn chặn xung đột và khẩu chiến trên các phương tiện truyền thông để tránh hiểu lầm. Ông Kasit đã tái khẳng định lập trường của Thái Lan trong đàm phán với Campuchia là tuân thủ các thỏa thuận khung mà hai nước ký năm 2008 cũng như bản ghi nhớ năm 2000 về phân định biên giới. Nếu đàm phán thất bại, tranh cãi sẽ được đưa ra xem xét tại Tòa án Quốc tế (ICJ).
Tuy nhiên, ông Kasit hy vọng Quốc hội Thái Lan sau khi nhóm họp trở lại sẽ xem xét và thông qua các biên bản nêu trên. Trong thời gian đó, quan chức hai nước ở các cấp sẽ đàm phán vấn đề đền Preah Vihear nhằm tránh xảy ra các tranh cãi mới tại cuộc họp thường niên của Ủy ban Di sản thế giới vào tháng 6 tới tại Baranh. Ông Kasit cho rằng, việc một số nhóm chính trị ở hai nước có các hành động mang tính bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc là điều bình thường, nhưng hai nước cần thận trọng, tránh để các hành động đó biến thành sự khiêu khích hoặc sức ép đối với bên kia. Ông Kasit cũng cho biết Chính phủ Thái Lan sẽ nối lại các chương trình trợ giúp trong khuôn khổ hợp tác với Campuchia. Các chương trình này vốn bị đình trệ sau khi quan hệ hai nước căng thẳng, bao gồm hỗ trợ giáo dục, đào tạo nhân lực, xây dựng đường bộ, đập thủy điện và tuyến đường sắt nối Poi Pet với Sisophon.
Trong khi đó, cùng ngày, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha đã tới thủ đô Phnom Penh bắt đầu chuyến thăm Campuchia hai ngày. Tháp tùng Tướng Prayut có Tư lệnh Quân khu 1, Trung tướng Udomdet Leebut, và Tư lệnh Quân khu 2, Trung tướng Thawatchai Samutsakhon. Quân khu 1 và Quân khu 2 là hai quân khu đảm trách an ninh biên giới với Campuchia. Ngoài mục đích “ra mắt” trước các đồng nghiệp Campuchia sau khi nhậm chức Tư lệnh Lục quân, chuyến thăm của Tướng Prayuth còn nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước và thảo luận với lãnh đạo quân đội Campuchia các vấn đề xung quanh tranh chấp đền Preah Vihear.
Phát biểu với báo giới trước chuyến thăm, Tướng Prayuth bác bỏ tin tức nói rằng Thái Lan đã rút quân khỏi các khu vực tranh chấp trên biên giới với Campuchia, trong đó có khu vực sát đền Preah Vihear. Ông khẳng định quân đội Thái Lan chỉ tiến hành một số điều chỉnh về triển khai lực lượng nhằm tránh xảy ra đụng độ với binh sĩ Campuchia sau khi phía Campuchia cũng tiến hành một số điều chỉnh tương tự.
Một thông tin đáng chú ý khác là Bangkok xác nhận Phnom Penh đã quyết định trả tự do cho 3 công dân Thái Lan, bị Campuchia bắt giam từ tháng 8 đến nay sau khi xâm nhập bất hợp pháp lãnh thổ Campuchia và bị quy kết tội gián điệp.
Một thông tin đáng chú ý khác là Bangkok xác nhận Phnom Penh đã quyết định trả tự do cho 3 công dân Thái Lan, bị Campuchia bắt giam từ tháng 8 đến nay sau khi xâm nhập bất hợp pháp lãnh thổ Campuchia và bị quy kết tội gián điệp.
Phía Thái Lan cho biết, quyết định trên của Phnom Penh là một trong những động thái bày tỏ thiện chí nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Campuchia và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao.
Việc Thái Lan-Campuchia cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước mà còn có lợi cho cả khu vực ASEAN đang hướng tới một cộng đồng “Chính trị-kinh tế-văn hóa” vào năm 2015 như Tuyên bố Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua đã khẳng định.
Nguyên Châu