.

Hàn Quốc diễn tập bắn đạn thật

.

Bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục căng thẳng với một cuộc tập trận mới của Hàn Quốc và cuộc gặp gỡ 3 bên do Mỹ chủ trì tại Washington.

Mô tả ảnh.
Binh sĩ CHDCND Triều Tiên tuần tra dọc bờ sông Yalu, biên giới Bình Nhưỡng và Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Ngày 6-12, Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật tại vùng biển tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên, bất chấp việc Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ hành động khiêu khích nào của nước láng giềng.
Hãng AFP dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho hay, cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển gần đường ranh giới phía Bắc (NLL), nhưng không gần đảo Yeonpyeong - nơi đã hứng chịu pháo của CHDCND Triều Tiên vào ngày 23-11 khiến 4 người thiệt mạng, 18 người khác bị thương và phá hủy 29 ngôi nhà.

NLL vốn là đường biên giới do Liên Hợp Quốc vạch ra nhưng không được CHDCND Triều Tiên thừa nhận. Cuộc tập trận sẽ được tiến hành tại 29 điểm ở phía đông, tây và nam trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm đảo Daecheong - một trong 5 đảo lớn gần biên giới biển Hoàng Hải. Cuối tuần này sẽ có sự tham gia của các tàu chiến. Quân đội và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối cung cấp thêm chi tiết về các cuộc diễn tập. Bình Nhưỡng chỉ trích tập trận lần này kéo dài một tuần sau những cuộc diễn tập ngay trước đó càng chứng minh quốc gia miền Nam đang nỗ lực khơi mào chiến tranh.


Trong khi đó, các Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chiều 6-12 (giờ địa phương) nhóm họp tại Washington để bàn giải pháp đối phó với CHDCND Triều Tiên mà không có sự tham dự của Trung Quốc. Ba nhà ngoại giao hàng đầu của 3 nước sẽ thông qua một tuyên bố chung chỉ trích các hành động của Bình Nhưỡng. Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của CHDCND Triều Tiên và chủ trì các cuộc đàm phán 6 bên đã không được mời dự. Tuy nhiên, nhóm 3 bên do Mỹ dẫn đầu dự kiến thảo luận về đề xuất đàm phán khẩn cấp của Bắc Kinh. Hai năm trước, CHDCND Triều Tiên đã rút khỏi đàm phán về giải giáp hạt nhân với sự tham dự của 2 miền Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga. Hiện Bình Nhưỡng mong muốn trở lại đàm phán và ý định này giành được sự ủng hộ của Trung Quốc cùng Nga. Song, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khẳng định “bộ ba” này chỉ ngồi vào bàn thương lượng khi nào Bình Nhưỡng thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa.

Reuters cho rằng, con đường ngoại giao để tháo gỡ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa rõ ràng, nhất là khi Trung Quốc tỏ rõ việc không muốn lên án CHDCND Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngay khi Hàn Quốc bắt đầu tập trận bắn đạn thật, trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã chỉ trích tình hình trên bán đảo Triều Tiên có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào. Người đứng đầu Nhà Trắng thúc giục nhà lãnh đạo Trung Quốc gửi thông điệp đến CHDCND Triều Tiên rằng “sự khiêu khích của nước này là không thể chấp nhận được”. Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã trao đổi về mối quan tâm chung đối với hòa bình, ổn định ở châu Á cũng như tầm quan trọng trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Về phía Hàn Quốc, Thủ tướng Kim Hwang-Sik ngày 6-12 nói rằng, Chính phủ sẽ chi 30 tỷ won (26 triệu USD) để hỗ trợ người dân trên đảo Yeonpyeong.


PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.