.

Hàn Quốc giục đàm phán khẩn cấp

.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nói rằng, việc dỡ bỏ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên phải được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Hàn Quốc (bìa phải) trong cuộc họp với Bộ Thống nhất ngày 29-12. Ảnh: Yonhap
 
Ngày 29-12, Tổng thống Lee Myung-bak đã kêu gọi nhanh chóng tháo gỡ khủng hoảng về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bằng các cuộc đàm phán 6 bên vào năm tới. Hãng Yonhap cho rằng, đây là dấu hiệu về quan điểm linh hoạt của Seoul đối với việc nối lại đàm phán bị ngưng trệ thời gian dài.
 
Khi nhận báo cáo về chính sách năm 2011 của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Lee Myung-bak cho rằng, Seoul không có lựa chọn nào khác, ngoài việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bằng đàm phán 6 bên. “Chúng ta nên nỗ lực kiến tạo hòa bình thông qua đối thoại liên Triều”, ông nói.

Nhận định của nhà lãnh đạo Hàn Quốc được đưa ra trong lúc có những quan ngại về các cuộc đàm phán do Trung Quốc chủ trì, với sự tham gia của Mỹ, Nga, Nhật Bản cùng 2 miền Triều Tiên, bị bế tắc do những hành động khiêu khích vẫn diễn ra từ phía Bình Nhưỡng, nhất là với vụ chìm tàu chiến Cheonan vào tháng 3 vừa qua và vụ nã pháo lên đảo Yeonpyeong ngày 23-11. Những lo lắng về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng càng gia tăng khi cũng trong tháng 11 vừa qua, quốc gia này tiết lộ cơ sở làm giàu uranium mới vốn được cho là cách thứ hai để tạo bom nguyên tử.

Theo Tổng thống Lee Myung-bak, cộng đồng quốc tế đứng trước áp lực khi CHDCND Triều Tiên đặt mục tiêu xây dựng quốc gia cường thịnh vào năm 2012, dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. “Vì mục tiêu của CHDCND Triều Tiên, chúng ta nên đạt được việc giải giáp chương trình hạt nhân của nước này vào năm tới”, Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh. 

Hãng Yonhap còn dẫn lời Tổng thống Lee Myung-bak cho hay, Chính phủ của ông phải đối mặt với nhiệm vụ cấp bách và quan trọng: Mở rộng sự ủng hộ của các nước láng giềng đối với nỗ lực của Seoul cho hòa bình, thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Đàm phán 6 bên đã diễn ra cách đây 2 năm, nhưng Bình Nhưỡng rút khỏi đàm phán từ năm ngoái do phản đối những biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc sau khi nước này thử tên lửa.

Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên nã pháo lên đảo Yeonpyeong, Trung Quốc đã đề xuất các trưởng đoàn đàm phán 6 bên nhóm họp khẩn cấp vô điều kiện nhưng đề nghị này bị Hàn Quốc bác bỏ. Chính phủ của ông Lee Myung-bak cùng Mỹ, Nhật Bản thờ ơ với nỗ lực của Trung Quốc và Nga nhằm khôi phục lại đối thoại với miền Bắc. Seoul đã cho rằng, còn quá sớm để bàn đến việc nối lại đàm phán hạt nhân bởi trước hết, CHDCND Triều Tiên phải ngừng các hành động khiêu khích và thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa. Trong số các điều kiện tiên quyết mà Seoul đặt ra, có việc Bình Nhưỡng phải ngừng các hoạt động hạt nhân và chấp nhận các thanh sát viên quốc tế trở lại các cơ sở hạt nhân chính ở Yongbyon.   

Theo AFP, báo cáo về chính sách của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vừa trình Tổng thống Lee Myung-bak cũng tập trung vào việc tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế đối với hòa bình, thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan khẳng định: Các cơ hội để đàm phán với Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân vẫn mở. Chuyên gia thuộc tổ chức châu Á về quan hệ Mỹ - Triều Tiên Scott Snyder cho rằng, một cuộc gặp gỡ giữa 2 miền với sự hậu thuẫn của Washington có thể khởi động cho tiến trình ngoại giao mặc dù cơ hội thành công rất thấp.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.