.

Hiệp ước Start mới: Tổng thống Obama thu phục đảng Cộng hòa

.

Washington và Moscow cùng tuyên bố cắt giảm vũ khí hạt nhân vào năm 1991. Theo đó, 10 nghìn vũ khí chiến lược hạt nhân đã được tháo bỏ nhưng không có hiệp ước để ràng buộc. Năm 1993, cựu Tổng thống Mỹ Bush (cha) và đồng nhiệm phía Nga Yeltsin ký Hiệp định cắt giảm vũ khí chiến lược, được biết với cái tên START II. Theo đó, sẽ giảm tới ¾ đầu đạn hạt nhân và các tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân được bố trí trên đất liền của Mỹ và Liên Xô (cũ). Hiệp ước kết thúc vào năm 2009 trong lúc các nhà đàm phá Mỹ và Nga hoàn tất những chi tiết cuối để Tổng thống hai nước Obama và Medvedev ký kết Hiệp ước mới hồi tháng 4 vừa rồi.

 

Mô tả ảnh.
Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev trong buổi lễ ký kết Hiệp ước START mới.

Sau khi Tổng thống Mỹ Obama và người đồng nhiệm phía Nga Medvedev ký kết Hiệp ước START mới vào tháng 4 vừa qua, hai viện của Nga đã thông qua thì phía Mỹ phải đợi đến ngày 22-12 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ mới nhất  trí bỏ phiếu thông qua với 71 phiếu thuận và 26 phiếu chống. Hiệp ước START mới cam kết kiểm soát vũ khí mà Mỹ và Nga sẽ phải “cắt giảm” bớt kho vũ khí hạt nhân và cho phép hai bên được kiểm tra lẫn nhau, vốn đã chấm dứt từ năm 2009. Theo các điều khoản của hiệp ước mới, cả hai nước sẽ không được phép triển khai hơn 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược hoặc 700 giàn phóng mỗi 7 năm sau khi phê chuẩn cuối cùng được thông qua. Có lẽ vấn đề đáng kể nhất của hiệp ước mới làm cho thượng viện Mỹ chậm thông qua là chương trình (chế độ) kiểm tra và kiểm soát mới để thay thế cho chế độ cũ đã hết hiệu lực từ năm 2009 (Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược được ký năm 1991, còn gọi là START 1).

Tờ New York Times ngay sau đó nhận định rằng Tổng thống Obama đã thắng một trong những canh bạc lớn nhất của ông trong năm qua, là một trong những cuộc tranh cãi quân sự lớn nhất của Mỹ trong suốt một thập niên qua. Dù đã có nhiều cố vấn đề nghị Tổng thống Obama rút lui đợi đến năm 2011 nhưng ông đã quyết định thực hiện chiến dịch vận động kéo dài 5 tuần lễ cuối cùng trong năm 2010, đúng vào thời điểm đảng Dân chủ vừa thất thế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua nhằm thuyết phục Thượng viện thông qua hiệp ước trước cuối năm 2010.

Quyết định của ông Obama nhanh chóng có tác dụng tích cực. Hiệp ước mới nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Quan hệ quốc tế Thượng viện hồi tháng 9 với sự ủng hộ của ba thành viên đảng Cộng hòa. Một trong những khó khăn là Thượng nghị sĩ Kyl chống lại một cuộc bỏ phiếu trong kỳ họp cuối và tuyên bố sẽ không bao giờ đạt được thỏa thuận trước khi năm 2010 kết thúc. Ông Kyl đề xuất phải chi ra hàng chục tỷ USD để hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân quốc gia mới chấp nhận ủng hộ hiệp định. Sau nhiều tháng đàm phán, Chính phủ Mỹ đã đồng ý chi ra 85 tỷ USD để làm công việc này trong thời gian 10 năm và thêm 4,1 tỷ USD cho 5 năm tiếp theo. Điều đó giống như cam kết đồng ý buộc Tổng thống Obama phải thực hiện để hiệp ước được thông qua.

Tổng thống Obama quyết định thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất chấp nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cố ngăn chặn nhằm phá vỡ mối quan hệ với Nga và liên minh quốc tế chống lại chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, khi thời gian năm 2010 sắp cạn thì Tổng thống Obama nhận được sự ủng hộ từ cựu Chủ tịch đảng Cộng hòa như cựu Tổng thống Bush, cựu Ngoại trưởng Kissinger, Baker và Scowcroft. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa  McCain - một trong những người có tiếng nói rất trọng lượng về an ninh quốc phòng – cho rằng ông nghĩ đảng Cộng hòa quan tâm đến phòng thủ tên lửa và hiện đại hóa hạt nhân có thể sẽ được quyết định đúng thời điểm vào kỳ họp cuối cùng của Quốc hội cũng là lúc Tổng thống Obama có được sự đồng ý sau…13 lần bị trì hoãn. Nếu trước đây, ông Obama lo ngại khi Thượng viện tiếp nhận nhiệm sở vào tháng Giêng năm tới, đảng Cộng hòa chiếm đa số thì rất khó đạt được phê chuẩn thì nay với khả năng thu phục được đảng Cộng hòa, ông Obama tin tưởng sau hiệp ước START thì nhiều quyết định khác cũng sẽ dễ dàng hơn…

Tịnh Bảo

;
.
.
.
.
.