.

Khó đàm phán Cancun

.

Hội nghị chống biến đổi khí hậu lần thứ 16 của Liên Hợp Quốc ở Cancun (Mexico) đang bước vào giai đoạn cuối với những quan ngại lặp lại thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen tại Đan Mạch vào tháng 12 năm ngoái.

Cả những nước phát triển lẫn đang phát triển đều bày tỏ ý kiến của mình về trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến việc giảm khí carbon - một vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Mô tả ảnh.

Các nhà hoạt động biểu tình ủng hộ Nghị định thư Kyoto tại Cancun.
       Ảnh: Reuters


Vướng mắc đặt ra là khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển xung quanh Nghị định thư Kyoto năm 1997 về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vốn hết hạn vào năm 2012. Vào lúc này, các nhà đàm phán đang nỗ lực tìm giải pháp “bắc cầu” thu hẹp khoảng cách để nới rộng Nghị định thư Kyoto sau khi kết thúc giai đoạn bắt buộc đầu tiên. Nghị định này yêu cầu đến năm 2012, các nước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trung bình thấp hơn 5,5% lượng khí của năm 1990.

Báo The Christian Science Monitor cho rằng, chính sách “bên miệng hố chiến tranh” không mới trong đàm phán ngoại giao. Bởi lẽ, các nhà đàm phán có kinh nghiệm cảnh báo: Những cuộc thương thảo như thế có khuynh hướng căng thẳng trong tuần đầu tiên và có thể sẽ đạt được thỏa thuận khi bắt đầu vào tuần thứ hai với các cuộc đàm phán cấp cao hơn.

Các nước công nghiệp muốn nhìn thấy Mỹ và những nước đang phát triển, nhất là những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, chấp nhận giải pháp của quốc tế trong việc đối phó với khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Song, các quốc gia đang phát triển không muốn đưa ra cam kết ràng buộc pháp lý nào trừ khi các nước phát triển tiếp tục có động thái tương tự thông qua Nghị định thư Kyoto.

Ngay từ đầu tuần trước, Nhật Bản đã tỏ rõ ý định không muốn tham gia vào giai đoạn hai của Kyoto, kéo theo 3 quốc gia khác cũng từ chối ký gia hạn. Lý do mà Nhật Bản đưa ra là: Thật không công bằng và không có lý do gì để Tokyo tự trói buộc vào các hiệp ước môi trường khi 2 nhà sản xuất khí thải lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc chỉ đứng bên lề. Chuyên gia đàm phán của Nhật, Hideki Minamikawa, đã kêu gọi một khuôn khổ mới với sự phối hợp của tất cả các nước có khí thải lớn.

Bởi vậy, trong lúc vẫn có sự đùn đẩy và nghi ngại, các chuyên gia và các nhà chức trách không khỏi lo lắng rằng, hội nghị Cancun sẽ đi vào “vết xe đổ” của hội nghị Copenhagen. Thực tế, vẫn chưa biết đến khi các cuộc đàm phán tại Cancun khép lại vào ngày 10-12 có xóa được những bất đồng, dị biệt hay không. Những khoảng cách như thế đã tồn tại dai dẳng sau hội nghị về môi trường và phát triển của Liên Hợp Quốc tại Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 đến nay.


Hãng Tân Hoa xã cho rằng, thách thức tại Cancun là làm thế nào dung hòa lợi ích khác nhau giữa các quốc gia và dân tộc khác nhau. Trong khi đó, hậu quả nhãn tiền của việc biến đổi khí hậu là lũ lụt, hạn hán, thiên tai tàn khốc đang tác động đến nhiều nước trên thế giới. Mới đây nhất là “kỷ lục lạnh mới được thiết lập” ở châu Âu với cảnh băng tuyết dày đặc, đường bộ tắc nghẽn, hàng trăm chuyến bay bị hủy…


VĨNH AN

;
.
.
.
.
.