.

NATO bí mật bảo vệ Baltic

.

Báo Người bảo vệ (Anh) ngày 7-12 dẫn nguồn tin do mạng WikiLeaks tiết lộ cho biết, NATO đã lên kế hoạch bí mật bảo vệ các quốc gia Baltic nhằm chống lại bất kỳ đe dọa nào của Nga.

Mô tả ảnh.

Các binh sĩ Georgia tham gia tập trận do NATO tổ chức vào tháng 5-2009, bất chấp sự phản đối của Nga. Ảnh: New York Times


Các kế hoạch được soạn thảo dành cho 3 nước Baltic, bao gồm: Estonia, Latvia và Lithuania vào đầu năm nay sau khi các nước này vận động cần được bảo vệ thêm sau cuộc chiến Nga - Georgia năm 2008.
Theo báo trên, trong các cuộc hội đàm song phương với Ba Lan, Mỹ đã đề nghị tăng cường an ninh cho Warsaw để chống lại Nga bằng cách triển khai lực lượng hải quân đặc biệt đến các cảng Gdansk và Gdynia thuộc Baltic, đặt máy bay chiến đấu F-16 tại đất nước châu Âu này, đồng thời đưa máy bay C-130 Hercules từ các căn cứ Mỹ ở Đức vào Ba Lan. Báo Người bảo vệ cũng nói rằng, trong hội nghị thượng đỉnh Lisbon vào tháng trước, các lãnh đạo NATO hiểu rõ và ủng hộ chiến lược mới nhằm bảo vệ các vùng dễ bị tổn thương ở Đông Âu. Tại hội nghị ở thành phố Lisbon của Bồ Đào Nha, NATO và Nga đã thống nhất hợp tác phòng vệ tên lửa và các vấn đề an ninh khác. Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu mới trong quan hệ vốn căng thẳng kể từ khi Nga can thiệp quân sự ở Georgia vào năm 2008.

Tuy nhiên, tài liệu do WikiLeaks tiết lộ lại chỉ ra căng thẳng tiềm ẩn trong quan hệ giữa các cựu đối thủ thời Chiến tranh Lạnh. Kế hoạch của NATO về việc bảo vệ Baltic kéo theo nhóm các nước này cùng với Ba Lan tham gia vào một chương trình quốc phòng khu vực mới.

Reuters cho hay, Ba Lan, vùng Baltic và các quốc gia khác từng lo ngại trước cuộc chiến tranh của Nga chống lại Gerogia. Nhóm nước này cũng khó chịu với các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Nga ở
Belarus cũng như không hài lòng với tuyên bố của Mátxcơva rằng việc NATO mở rộng là một mối đe dọa. Báo Người bảo vệ nói rằng, 9 nước tham gia bảo vệ, trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Ba Lan, đã xác định các hoạt động chiến đấu trong trường hợp chống lại sự khiêu khích nhằm vào Ba Lan hoặc các quốc gia Baltic. Cuộc tập trận đầu tiên của NATO theo kế hoạch phòng vệ này sẽ diễn ra ở vùng Baltic vào năm tới.


Cuộc chiến tranh bùng nổ giữa Nga và Georgia vào tháng 8-2008 làm các nước từng thuộc Liên Xô cũ lo lắng. Estonia, Latvia và Lithuania đều quan ngại một nước Nga nổi lên trong những năm tới. Vì thế, 3 nước này vốn gia nhập NATO vào năm 2004 đã bắt đầu vận động liên minh quân sự lập kế hoạch phòng vệ chính thức. Song, đề xuất trên cũng là một thách thức cho NATO. Thực tế, liên minh quân sự này trước đó nhiều lần tuyên bố rằng, nước Nga thời hậu Xô viết không phải là mối đe dọa và Chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn theo đuổi chính sách gọi là thiết lập lại quan hệ với Mátxcơva. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Mỹ vẫn lo ngại về những động thái không nhất quán trong chính sách hậu Chiến tranh Lạnh của NATO.


BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.