Thế giới năm 2010 đầy biến động cả về chính trị lẫn kinh tế, thiên tai, thảm họa... Báo Đà Nẵng bình chọn 10 sự kiện năm 2010 giới thiệu cùng bạn đọc.
1- Cuộc giải cứu thần kỳ ở Chile
Tổng thống Chile Sebastian Pinera (phải) chúc mừng thợ mỏ Mario Sepulveda lên mặt đất. Ảnh: THX |
Đất nước Chile tràn ngập hạnh phúc và nước mắt khi việc giải cứu 33 thợ mỏ bị kẹt tại mỏ đồng San Jose ở độ sâu hơn 700m thành công mỹ mãn. Lần lượt từng người đã lên mặt đất sau 69 ngày trong hầm tối. Cuộc giải cứu thần kỳ ở Chile được hoàn tất trong 22 giờ, 37 phút - sớm hơn vài giờ so với dự kiến. Lòng quả cảm của 33 thợ mỏ, sự chung tay của cả cộng đồng, tinh thần đầy trách nhiệm của các quan chức hàng đầu, trong đó nổi bật là Tổng thống Sebastian Pinera, sẽ còn được nhắc đến như một bài học nhân văn và bi tráng khi đối mặt với tai nạn, thảm họa.
2- “Quả bom” WikiLeaks
Julian Assange với bài báo trên tờ The Guardian về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan. Ảnh: Reuters |
Ba “quả bom” lớn mà trang mạng WikiLeaks tung ra bao gồm 77.000 tài liệu của quân đội Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan, 400.000 nhật ký chiến trường từ Iraq và hơn 200.000 bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ đã gây chấn động dư luận thế giới. Thậm chí, “quả bom nhiệt hạch” tài liệu bí mật về ngoại giao được so sánh như sự kiện 11-9-2001 của Mỹ.
WikiLeaks và đặc biệt là Tổng Biên tập Julian Assange trở thành “những kẻ tội đồ” của Mỹ. Nhà Trắng đau đầu tiến hành điều tra tội phạm đối với người sáng lập WikiLeaks. Nhưng trong khi Washington chưa có đủ chứng cứ để buộc tội Assange, ông lại bị Thụy Điển truy nã vì cáo buộc cưỡng bức và quấy rối tình dục.
3- Bán đảo Triều Tiên thành “chảo lửa”
Khói bốc ngùn ngụt từ đảo Yeonpyeong. Ảnh: AFP |
Hai sự kiện làm quan hệ 2 miền Triều Tiên căng thẳng đến đỉnh điểm kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh liên Triều vào năm 1953: vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc vào tháng 3 làm 46 thủy thủ thiệt mạng và việc CHDCND Triều Tiên nã pháo lên đảo Yeonpyeong vào tháng 11 khiến 4 người chết.
Bất chấp nỗ lực ngoại giao của thế giới, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn “khẩu chiến”, làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến tranh mới. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Seoul liên tục tổ chức tập trận trên vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, Trung Quốc được kêu gọi là trung gian hòa giải nhưng Bắc Kinh đã từ chối chỉ trích đồng minh của mình nhưng kêu gọi các bên kiềm chế và ngồi vào bàn đàm phán.
4- Xem trọng đối tác châu Á
Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Quốc hội Ấn Độ. Ảnh: NYT |
Chuyến công du châu Á 10 ngày vào tháng 11 đến Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Barack Obama được bắt đầu ngay sau khi Đảng Dân chủ của ông thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Tuy chuyến thăm là cơ hội để thúc đẩy quan hệ thương mại, tìm việc làm cho người Mỹ, nhưng Tổng thống Mỹ còn thể hiện với châu Á rằng, “thị trường của tương lai này” đang trở thành khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Washington. Hơn nữa, thông qua việc hợp tác cùng châu Á, Mỹ muốn tạo thế cân bằng với Trung Quốc.
Châu Á không những trở thành “điểm ngắm” của Mỹ mà còn của châu Âu. Chỉ trong 6 tháng, các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ, Pháp, Nga đều lần lượt đến Ấn Độ, muốn “bắt tay” với nền kinh tế mới nổi này.
5- Châu Âu “thắt lưng buộc bụng”
Biểu tình bạo lực trên đường phố Lyon nhằm phản đối chính sách hưu trí của Pháp. Ảnh: AFP |
Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã vượt biên giới Hy Lạp lan rộng sang Ireland, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Hy Lạp nổ phát súng đầu tiên khi công bố thâm hụt ngân sách lên đến 12,7%. Rồi đến Ireland phải nhận sự cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đồng tiền chung khu vực vào tháng 5 rơi xuống mức giá thấp nhất suốt 4 năm qua so với đồng USD. Khắp châu Âu đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” vì lỗi lầm của chính phủ.
6- Quan hệ Nga - Mỹ nồng ấm
Tổng thống Barack Obama và người đồng cấp Dmitry Medvedev ký hiệp ước START. Ảnh: NYT |
Ngày 9-7, cơ quan tình báo của hai cựu thù Nga và Mỹ đã đổi 14 điệp viên, kết thúc êm thấm vụ án gián điệp lớn nhất trong hàng chục năm qua, đánh dấu biểu hiện ấm lên trong quan hệ vốn băng giá từ thời Chiến tranh Lạnh. Đây là kết quả từ những nỗ lực trước đó của 2 nhà lãnh đạo Nhà Trắng và Điện Kremlin với việc Tổng thống Dmitry Medvedev sang thăm Mỹ vào tháng 6. Hai bên cũng ký kết hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) vào tháng 4.
Tuy nhiên, sự ấm lên này khiến một số quốc gia Đông Âu, từng ở trong quỹ đạo của Liên Xô và nay là đồng minh với Mỹ, quan ngại rằng họ sẽ bị Washington bỏ rơi và quay sang “bắt tay” Mátxcơva.
7-Trung Quốc và Nhật Bản “soán ngôi” nhau
Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1.130 tỷ USD so với 1.280 tỷ USD. Giới phân tích thậm chí còn dự đoán rằng, khả năng Trung Quốc vượt Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian, có thể trong năm 2012 hoặc đến năm 2020.
Nhưng đến ngày 9-12, Chính phủ Nhật Bản cho biết tăng trưởng GDP thực chất trong quý 3 năm 2010 của nước này đạt 4,5%, cao hơn mức tăng 3,9% theo thống kê sơ bộ công bố vào tháng 11. Theo Nhật Bản, GDP trong 9 tháng năm 2010 đạt 3.959 tỷ USD, cao hơn so với mức 3.946 tỷ USD của Trung Quốc và vẫn giữ vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới.
8- Thiên tai, thảm họa
Đám đông xô đẩy trên chiếc cầu ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh: AP |
Trận động đất ngày 12-1 làm rung chuyển thủ đô Port-au-Prince của Haiti được xem là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất với 230.000 người chết, hàng trăm ngàn người bị thương, tàn phá nặng nề quốc gia nghèo nhất vùng Tây bán cầu. Đến tháng 7, lũ lụt ở Pakistan đã nhấn chìm 1/5 đất nước, 20 triệu người mất nhà cửa, 2.000 người thiệt mạng, 10 triệu gia súc bị chết hoặc cuốn trôi, thiệt hại về kinh tế ước tính 43 tỷ USD.
Tại Campuchia, thảm họa giẫm đạp tại lễ hội nước ở thủ đô Phnom Penh vào tối 22-11 đã làm hơn 350 người chết và gần 400 người khác bị thương. Thủ tướng Campuchia Hun Sen gọi đây là thảm kịch lớn nhất của đất nước này kể từ sau khi lật đổ chế độ Khmer Đỏ vào những năm 1970.
9- Thái Lan vẫn bất ổn
Bangkok tràn ngập sắc đỏ. Ảnh: AP |
Cuộc trấn áp của lực lượng quân đội với biển người áo đỏ biểu tình chống Chính phủ trong tháng 4 và 5 đã dẫn đến cái chết của 91 người và hơn 1.800 người khác bị thương. Bất ổn chính trị tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, gây tổn thất cho ngành du lịch và giới đầu tư không tránh khỏi sự hoang mang. Chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cũng 2 lần thoát nguy cơ giải thể trước các cáo buộc gian lận quỹ bầu cử. Theo giới phân tích, khủng hoảng chính trị ở Thái Lan sẽ còn tiếp diễn trong năm 2011.
10- BP với tai họa tràn dầu
BP và Chính phủ Mỹ đã phải nỗ lực dọn dẹp dầu tràn. Ảnh: AP |
Tháng 4, một giàn khoan dầu của Hãng dầu khí BP phát nổ khiến 12 công nhân tử nạn, khơi mào cho thảm họa môi trường lớn nhất ở Mỹ với 1.000 thùng dầu rò rỉ trên biển hằng ngày. BP bị chỉ trích dữ dội và đối mặt với hàng tỷ USD bồi thường. Tập đoàn này phải bán hàng loạt tài sản trên khắp thế giới. Cả Chính phủ Mỹ cũng bị chỉ trích vì khả năng đối phó thảm họa chậm chạp.