Quỹ Xanh vì khí hậu là một trong những nội dung đạt được tại Hội nghị Cancun (Mexico) vừa kết thúc vào cuối tuần qua. Theo đó, các nước nghèo sẽ được hỗ trợ để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ các khu rừng nhiệt đới và chia sẻ kỹ thuật sinh thái.
Dân làng xây dựng lại con đê gần Satkhira, Bangladesh sau cơn bão Alia vào năm ngoái. Bangladesh là một trong những nước đầu tiên được đề cập trong Quỹ Xanh. (Ảnh: Getty Images) |
Sau 12 ngày nghị sự căng thẳng, thỏa thuận cuối cùng đã được đưa ra với sự cam kết của hơn 190 quốc gia, bất chấp sự phản đối của Bolivia. Các nước thống nhất từ năm 2020 sẽ dành 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chống lại sự ấm nóng toàn cầu, như mục tiêu cam kết tại Hội nghị Copenhagen ở Đan Mạch vào cuối năm ngoái. Trong đó, Quỹ Xanh sẽ chiếm một phần quan trọng và được Ngân hàng Thế giới (WB) quản lý trong 3 năm.
Ba nước được chú ý nhiều nhất và cũng từng gây tranh cãi nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đã lần lượt thông qua dự thảo tuyên bố chung. Đại diện Trung Quốc gọi đây là một hội nghị thành công với các kết quả tích cực và Nghị định thư Kyoto đã được xác nhận. Nước chủ nhà Mexcio còn gọi 12 ngày ở Cancun là kỷ nguyên mới trong hợp tác quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Bởi lẽ, hội nghị Cancun với sự thống nhất của hơn 190 quốc gia, trong khi tại Copenhagen chỉ có 140 nước ký kết thỏa thuận. Một lý do nữa là lần nhóm họp ở Cancun đã cứu vãn cho tiến trình đàm phán về chống biến đổi khí hậu, không để bế tắc hoàn toàn như bức tranh ảm đạm được vẽ ra trước đó.
Christiana Figueres, nhà ngoại giao Costa Rica, cho rằng thỏa thuận không đánh dấu sự kết thúc mà là sự khởi đầu mới. Theo Todd Stern, đặc sứ Mỹ về khí hậu, thỏa thuận đạt được quá nhiều so với hy vọng của ông. Trong khi đó, nhà đàm phán về khí hậu của Bolivia Pablo Solon chỉ trích thỏa thuận đạt được là quá yếu ớt. Solon nhấn mạnh: Việc cắt giảm khí thải được đặt ra trong kế hoạch sẽ chỉ làm cho nhiệt độ toàn cầu gia tăng trong nửa thế kỷ đến.
Theo đánh giá, thỏa thuận Cancun chỉ mang tính tương đối chứ không có sự đột phá và nhiều vấn đề được để lại đến hội nghị lần tới tại Nam Phi. Trọng tâm nhất là sự thống nhất toàn diện về cắt giảm khí thải đã không được đề cập đến, như mong muốn của Liên Hợp Quốc và nhiều chính phủ. Các biện pháp cụ thể chống biến đổi khí hậu và tính ràng buộc pháp lý vẫn còn để ngỏ. Nguyên nhân chính là sự bất đồng của một số nước với Nghị định thư Kyoto.
Hội nghị Cancun đã khép lại. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, không thể trông đợi vào lần nhóm họp ở Durban (Nam Phi) vào năm tới. Quá nhiều những hệ lụy từ việc biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra trên khắp thế giới và các nước nghèo gánh chịu nặng nề nhất. Thực tế, người ta trông đợi vào những cam kết cụ thể, thiết thực và mạnh mẽ hơn của các nhà lãnh đạo thế giới, nhất là của những cường quốc, nhằm cứu các nước nghèo và thúc đẩy sự phát triển, hơn là những lời hứa chung chung và tương đối như thế.
VĨNH AN