.
VỤ RÒ RỈ THÔNG TIN TỪ WIKILEAKS

Nâng tầm nước Mỹ?

.
WikiLeaks đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận trên toàn thế giới. Nhiều người nhận định rằng những thông tin động trời đó có thể làm nhiều chính phủ, nhất là Mỹ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tờ New York Times, một trong những tờ báo đăng tải thông tin của WikiLeak, nhận định thực tế đó chẳng những không hề gây tổn hại mà còn làm cho mọi người nhìn thấy sâu hơn tầm ảnh hưởng của nước Mỹ.

Mô tả ảnh.
Nhà sáng lập WikiLeaks, Assange vô tình giúp nâng tầm nước Mỹ?
 
Kể từ khi các tờ báo lớn New York Times (Mỹ), Guardian (Anh) và ba tờ báo khác ở châu Âu đăng tải thông tin mật của Chính phủ Mỹ và Lầu Năm Góc đã làm cho dư luận thế giới quan tâm về hoạt động của Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới; về nhà sáng lập WikiLeaks là Julian Assange sẽ bị đặt vào danh sách khủng bố và có thể bị truy tố (ông đã bị cảnh sát Anh thẩm vấn về cáo buộc… cưỡng dâm); và trách nhiệm đăng tải thông tin, tài liệu này như thế nào?

Các thông tin đăng tải là những điện tín ngoại giao, thường là các file thô. Đại loại như là các Chính phủ Ả Rập kêu gọi Mỹ tấn công Iran, Mỹ và Hàn Quốc xem xét phản ứng của Trung Quốc về khả năng sụp đổ của CHDCND Triều Tiên… Không nghi ngờ gì nữa, nó sẽ làm cho mối quan hệ ngoại giao của Mỹ với nhiều nước khác sẽ gặp khó khăn hơn trong thời gian tới.

Nhiều người gọi hành động của Assange là vụ tấn công đúng như ý định của nhà sáng lập WikiLeaks nên xứng đáng nhốt vào nhà tù Guantanamo. Nhiều chính trị gia cũng cáo buộc hành động của Assange là sự hổ thẹn của Mỹ và cần sửa luật để tránh một Assange thứ hai xuất hiện. Cựu ứng cử viên phó tổng thống của Đảng Cộng hòa, Sarah Palin chỉ trích chính quyền Obama đã bất lực trong việc ngăn cản vụ này. Tổng thống Venezuela đề nghị Ngoại trưởng Hillary Clinton từ chức. Thượng Nghị sĩ John McCain chỉ trích báo chí thiếu trách nhiệm, không có tinh thần yêu nước…

Những thông tin mà WikiLeaks đưa ra phản ánh rõ nét các chính sách ngoại giao và quân sự của Chính phủ Mỹ. Chẳng hạn, áp lực ngăn chặn Iran có vũ khí hạt nhân sẽ không đạt kết quả nếu Trung Quốc phản đối. Mỹ đã làm động tác kêu gọi Ả Rập Xê Út vốn rất “ngán” Iran sẵn sàng cung cấp dầu khí nhiều hơn cho Trung Quốc nên Trung Quốc không lo ngại mất nguồn cung từ Iran và sẵn sàng gây áp lực lên Iran về vấn đề hạt nhân. Hầu hết các thông tin đó cần phải được nhìn nhận dưới góc độ phản ánh khả năng ngoại giao và quân sự của Mỹ cực kỳ tốt trong nửa thế kỷ qua. Dù rằng vẫn có những thông tin như ám sát, mua chuộc lãnh đạo các nước khác, thậm chí là cả hình thức tra tấn bất hợp pháp… Ban biên tập của tờ New York Times khẳng định họ đã biên tập rất có trách nhiệm với loạt thông tin này.

Chuyên gia Jim Lewis của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế là một chuyên gia an ninh mạng nhận định rằng chính quyền Obama làm kỹ hơn các vị tiền nhiệm về các vấn đề an ninh. Không như nhiều người nhận định mối quan hệ ngoại giao có thể “băng giá” chút ít. Trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Hillary, bà đã nhận được sự tiếp đón rất thân mật của các quốc gia có trong tiết lộ của WikiLeaks.

Tuy nhiên cũng cần thấy bài học quan trọng được rút ra: Hồ sơ gốc khoảng 1 triệu người thuộc loại tuyệt mật cần được bảo vệ kỹ hơn nữa. Thực tế những tài liệu của WikiLeaks cũng thuộc dạng mật nhưng ở mức độ thấp. Ông Lewis nói rằng sau thảm họa 11-9, chúng ta nhận ra rằng chia sẻ thông tin là rất quan trọng nhưng nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau cũng có những mặt hạn chế. Chúng ta phải thay đổi cách quản lý chứ không phải công nghệ. Ngay cả thời đại kỹ thuật số hiện nay cũng cần phải đối phó với sự xâm nhập mạng dẫn đến những thiệt hại còn lớn hơn cả WikiLeaks.
 
Tịnh Bảo
;
.
.
.
.
.