.

Ai Cập: Người dân lo sợ, cướp bóc tràn lan

.
(ĐNĐT) - Tình hình Ai Cập trở nên hỗn loạn giữa lúc cảnh sát đã không còn xuất hiện trên đường phố thủ đô Cairo, quân đội tuy đã đưa xe tăng và xe bọc thép xuống đường để thay thế cảnh sát nhưng lại không can thiệp, trong khi những người biểu tình không chấp hành lệnh giới nghiêm và nạn hôi của diễn ra khắp nơi.

phuc tap.jpg
Hàng ngàn người biểu tình tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập
Hiện nhiều khu vực xung quanh Cairo đã vắng bóng lực lượng an ninh, người dân Ai Cập bắt đầu cảm thấy sự an toàn của mỗi cá nhân đang bị tình hình chính trị đe dọa. Nhiều cửa hiệu, công xưởng bị cướp bóc, các đồn cảnh sát bỏ hoang với các kho vũ khí trơ trụi.

Ở một số khu vực, người dân bắt đầu dựng lên các hàng rào, phân phát gậy gộc và dao làm bếp để tự vệ. Một nhóm khác đã tự trang bị vũ khí và dự định sẽ ngồi bên ngoài suốt đêm để bảo vệ nhà cửa của mình.

Những kẻ cướp bóc đã xông vào nhà cửa của những người thuộc tầng lớp thượng lưu tại Cairo. Trong khi đó, một số tin tức cho hay, tại Alexandri, nạn cướp bóc xảy ra tràn lan ở các khu siêu thị.

Ít nhất, hai kẻ cướp đã cố đột nhập bảo tàng cổ vật tại Cairo, phá hủy một số gian trưng bày. “Hai kẻ cướp đó đã vào khu bảo tàng Cairo từ trên mái và chúng đã phá hủy hai xác ướp, mở nắp một chiếc hòm”, Zahi Hawass, Tổng thư ký Hội đồng tối cao về Cổ vật Ai Cập, cho biết.

Sherief Abdelbaki, một người dân Cairo nói: “Tất cả đàn ông đang cố gắng bảo vệ những người phụ nữ, vợ con của họ. Tất cả chúng tôi đã trở thành những dân phòng kiểu như... ở Miền Tây hoang dã. Lực lượng an ninh đâu rồi?”.

Tính đến ngày 29-1, đã có 74 người thiệt mạng, gần 2.000 người bị thương kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 24-1.

Sáng ngày 30-1, hãng truyền hình nhà nước Ai Cập Nile cho biết, khoảng 1.000 tù nhân đã vượt  khỏi nhà tù Demu tại Fayoum, tây nam Cairo.

Ngày hôm qua, 29-1, ông Mubarack đã nhanh chóng sa thải toàn bộ nội các và chỉ định hai lãnh đạo mới đứng cạnh ông. Ông Omar Suleiman, một người tín cẩn của ông Mubarak và cũng là người đứng đầu lực lượng tình báo đầy quyền lực, được chỉ định làm phó tổng thống.

Ông Mubarak còn yêu cầu ông Ahmed Shafik, Bộ trưởng Hàng không dân dụng trong nội các vừa từ chức thành lập một chính phủ mới. Ông Shafik trước đó là sĩ quan không quân, có liên hệ mật thiết với quân đội.

Tuy vậy, người dân đã quá chán ngán với ông Mubarak, họ tiếp tục biểu tình, trên đường phố Cairo và các thành phố khác. Người biểu tình vẫn tiếp tục hô vang khẩu hiệu: “Mubarak hãy cút đi! Chúng tôi muốn thay ông. Chúng tôi không muốn các bộ trưởng mới. Chúng tôi muốn một tổng thống mới.”

Hiện chỉ còn lại văn phòng của Bộ Nội vụ được lực lượng cảnh sát canh giữ, ngăn không cho người biểu tình vào bên trong.

phuc tap 2.jpg
Người biểu tình khiêng xác một người biểu tình thiệt mạng đắp cờ Ai Cập, yêu cầu ông Mubarak từ chức
phuc tap 3.jpg
Một người biểu tình hôn một người lính lúc họ tiến vào các ngã đường lớn ở thủ đô Cairo, ngày 29-1
Theo CNN, quân đội đầy quyền lực của Ai Cập đã được huy động xuống đường lần đầu tiên kể từ giữa thập niên 1980, đã được người dân tôn trọng hơn là cảnh sát. Nhiều người biểu tình đã chào đón sự hiện diện của quân đội. Tuy nhiên, liệu lực lượng 450.000 quân này sẽ trung thành với ông Mubarak hay không sẽ là chìa khóa cho tương lai của đất nước.

Theo truyền hình Nile, quân đội đã phát đi một cảnh báo nghiêm khắc với người dân vào ngày 29-1 là hãy dừng việc cướp bóc, quậy phá và làm tổn thương Ai Cập với nội dung : “Bảo vệ tổ quốc, bảo vệ người dân Ai Cập và bảo vệ các bạn”.

Trước tình hình trên, các nhà lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã thúc giục Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak hãy tránh tình trạng bạo lực và thực hiện những cải cách khi các cuộc biểu tình vẫn cứ tiếp diễn.

Quang Hiển (Theo CNN, BBC)
;
.
.
.
.
.