.

Châu Á quan tâm đến giá lương thực

.
Giá lương thực tăng cao đang là ưu tiên hàng đầu trong chương trình của nhiều nhà hoạch định chính sách ở châu Á. Trong lúc đó có những quan ngại rằng, lạm phát cao hơn vào năm 2011 là mối đe dọa lớn đối với sự phục hồi mạnh mẽ từ khủng hoảng toàn cầu của khu vực này.

6-1,market-in-Beijing-AFP.jpg
Rau quả được bày bán tại một chợ ở Bắc Kinh. Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cam kết kiểm soát giá cả ổn định trong năm 2011. Ảnh: AFP
Tổ chức Nông - lương của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, giá lương thực tăng đến mức kỷ lục trong tháng qua, khiến các nhà chức trách cảnh báo về bạo lực như năm 2008 ở những nước như Ai Cập, Cameroon và Haiti. Lạm phát lương thực ở một số quốc gia châu Á, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, đã ở mức 2 con số. Điều này làm gia tăng quan ngại rằng, áp lực giá cả có thể lan rộng hơn ở các ngành khác và đe dọa đến kinh tế cũng như sự ổn định xã hội trong lúc hàng triệu người dân châu Á sống trong nghèo đói.

Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng HSBC ở Hồng Kông, cho rằng đó là vấn đề đối với sự tăng trưởng kinh tế tại châu Á, nhưng cũng đồng thời là vấn đề của các khu vực khác. Hãng Reuters dẫn lời FAO cho biết, giá đường và thịt bò đã tăng ở mức cao nhất kể từ năm 1990 đến nay; còn lúa mì, gạo và ngô ở mức cao nhất kể từ năm 2008. Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đã kêu gọi nhóm các nước phát triển G20 bảo đảm cho người nghèo có đầy đủ cái ăn. AP cho rằng, mức tiêu thụ gia tăng nhanh chóng ở châu Á là yếu tố chính thúc đẩy sự tăng giá lương thực.

THIÊN BÌNH
;
.
.
.
.
.