Lebanon đang đối mặt với khủng hoảng chính trị khi Hezbollah và các đồng minh rút khỏi nội các do những bất đồng xung quanh phiên tòa được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn về cái chết của cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri vào năm 2005.
Với 11 Bộ trưởng trong nội các gồm 30 thành viên từ chức, Chính phủ non trẻ 14 tháng tuổi của Lebabon sụp đổ. Theo AP, nguyên nhân do các cuộc đàm phán giữa Syria và Saudi Arabia nhằm tìm ra thỏa thuận đối với phiên tòa xét xử vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri đã thất bại. Hezbollah bác bỏ bất kỳ vai trò nào trong vụ việc này. Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah chỉ trích tòa án là âm mưu của Mỹ cũng như Israel, và thúc giục Thủ tướng đương nhiệm Saad al-Hariri không công nhận nó. Tuy nhiên, vị Thủ tướng người Sunni bác bỏ yêu cầu của Hezbollah. Bất đồng về phiên tòa đã làm Chính phủ Lebanon tê liệt từ nhiều tháng qua.
Được thành lập từ tháng 11-2009, Chính phủ Lebanon là liên minh miễn cưỡng và mong manh giữa một khối được phương Tây ủng hộ, do Thủ tướng Saad, con trai của cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri, dẫn đầu với Hezbollah, lực lượng vũ trang bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố.
Việc các Bộ trưởng rút khỏi Chính phủ diễn ra trong lúc Thủ tướng Saad đang gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington. Nhà Trắng sau đó đã ra tuyên bố chỉ trích động thái của Hezbollah, đồng thời cảnh báo bất kỳ đe dọa hoặc hành động nào cũng có thể gây bất ổn cho đất nước Lebanon. Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng, khủng hoảng này là một nỗ lực rõ ràng nhằm phá hoại công lý, nhưng bà cam kết công việc của phiên tòa được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vẫn sẽ tiếp tục.
Theo Hiến pháp Lebanon, một Chính phủ sụp đổ khi có hơn 1/3 thành viên nội các từ chức. Tổng thống Lebanon Michel Suleiman sẽ phải đàm phán với các thành viên Quốc hội để bổ nhiệm một tân Thủ tướng nhằm thành lập Chính phủ mới. Ông Suleiman ngày 13-1 đã yêu cầu Thủ tướng Saad vẫn tạm điều hành Chính phủ. Các nguồn tin chính trị cho rằng, sẽ không có động thái nào khác diễn ra trước khi Thủ tướng Saad trở về nước và đối thoại với Tổng thống Suleiman. Ông Saad đã rời Washington để đến Paris, gặp gỡ Tổng thống Pháp Nicolas Sakozy vào tối 13-1 (giờ địa phương) và chưa rõ khi nào trở về thủ đô Beirut. Reuters cho biết, Tổng thống Sarkozy đã bàn thảo về tình hình Lebanon với Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và gửi thông điệp ủng hộ Tổng thống Suleiman. Lebanon từng là thuộc địa của Pháp nên Điện Elysee đóng vai trò khá lớn đối với chính trường quốc gia này.
Các nhà phân tích nhận định: Việc từ chức của Hezbollah có thể khơi mào cho bất ổn chính trị kéo dài ở Lebanon. Song, AP dẫn lời các nhà phân tích giảm nhẹ khả năng xung đột vũ trang giữa Hezbollah - vốn được Syria và Iran ủng hộ, với những người thuộc phe của Thủ tướng Saad - lực lượng được Saudi Arabia và Mỹ hậu thuẫn, như kịch bản bạo lực vào tháng 5-2008. Trong khi đó, Saudi Arabia ủng hộ Thủ tướng Saad lại cảnh báo rằng, động thái của Hezbollah sẽ lại gây ra các xung đột.
Sau khi Chính phủ Lebanon sụp đổ, hàng ngàn binh sĩ Israel đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Các nhà chức trách quan ngại rằng, khủng hoảng chính trị sẽ tạo thành bạo lực mới ở biên giới Israel và Lebanon.
THIÊN BÌNH