Pakistan đang đối mặt với khủng hoảng chính trị khi đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền rút khỏi Chính phủ.
Thủ tướng Gilani đang gặp khó vì sự chia rẽ trong Chính phủ. Ảnh: EPA |
Ngày 3-1, Phong trào Muttahida Qaumi (MQM) rút khỏi liên minh của Thủ tướng Yusuf Raza Gilani để gia nhập vào đảng đối lập. Động thái này sẽ khiến Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của ông Gilani không còn chiếm đa số trong Quốc hội và đặt ra khả năng bầu cử sớm.
Hãng Reuters cho biết, lý do để MQM - lực lượng chiếm ưu thế chính trị ở Karachi, thành phố lớn nhất và là trung tâm tài chính của Pakistan - rút khỏi PPP là do chính sách giá nhiên liệu, lạm phát và sự quản lý kém của Chính phủ. Điều đó cũng có nghĩa rằng, phe đối lập hiện chiếm đa số trong Quốc hội và có thể tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Gilani. Nếu ông không vượt qua được cuộc bỏ phiếu sẽ dẫn đến sự kiện bầu cử. Trong lúc đó, các nhà phân tích hoài nghi về khả năng Thủ tướng Gilani sẽ hoàn thành hết nhiệm kỳ của mình vào năm 2013 nhưng lại không cho rằng có thể diễn ra bầu cử sớm. Tuần trước, 2 Bộ trưởng thuộc MQM đã rút khỏi nội các liên bang và giải thích rằng, nguyên nhân do sự thất bại của Chính phủ trong việc cải thiện an ninh. Tháng 12-2010, một đảng nhỏ khác, Jamiat Ulema Islam, tuyên bố chuyển sang phe đối lập.
Các lãnh đạo PPP nói rằng, họ sẽ nỗ lực để gạt bỏ những khác biệt với MQM, và Thủ tướng Gilani vẫn bày tỏ tin tưởng Chính phủ của ông vẫn chiếm đa số ghế. Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, ông Gilani trấn an các đồng minh: Dù MQM rút khỏi liên minh, Chính phủ vẫn sẽ không sụp đổ. Liên minh cầm quyền có 181 ghế trong Quốc hội 343 ghế, trong đó MQM chiếm 25 ghế. Theo các nhà phân tích, PPP hiện chỉ có một vài tuần để ngăn chặn sự sụp đổ. Mọi hướng nhìn lúc này đang tập trung vào đảng đối lập chính, Liên minh Hồi giáo PML-N do cựu Thủ tướng Nawaz Sharif lãnh đạo. Mối quan hệ vốn chẳng nồng ấm giữa MQM và PML-N được cho sẽ có thể là cứu cánh đối với Thủ tướng Gilani trong việc kéo dài thời gian ít nhất từ 3-4 tuần để ông nỗ lực đàm phán với các đảng khác nhằm hình thành một liên minh mới.
AP cho hay, những biến động chính trị ở Pakistan có thể làm Chính phủ xao lãng trong việc tham gia liên minh với Mỹ chống lại các chiến binh Hồi giáo cực đoan ở nước láng giềng Afghanistan. Khủng hoảng này cũng khiến các nhà lập pháp rơi vào bế tắc khi đối mặt với những vấn đề kinh tế quan trọng, trong khi quốc gia Nam Á này phải dựa vào nguồn vay 11 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, với người dân Pakistan, lạm phát, mất điện triền miên và những khó khăn khác trong cuộc sống thường nhật mới là những mối quan tâm lớn nhất. Pakistan đang phải đương đầu với một nền kinh tế chật vật sau khi bị lũ lụt tàn phá, ảnh hưởng đến 21 triệu người vào giữa năm 2010, và những tác động của việc Taliban cùng các lực lượng liên quan đến Al-Qaeda đang ẩn náu ở biên giới với Afghanistan.
BÌNH YÊN