Hàng loạt các động thái mới tiếp tục diễn ra trên bán đảo Triều Tiên trong lúc khủng hoảng vẫn chưa được tháo gỡ.
Chiều 4-1, đặc sứ Mỹ về CHDCND Triều Tiên Stephen Bosworth đã đến Seoul để thảo luận về việc nối lại đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng. Trong lúc đó, Washington đang chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của CHDCND Triều Tiên và cũng là nước kêu gọi đối thoại nhằm giảm căng thẳng tại khu vực.
Ông Stephen Bosworth nhận trách nhiệm nặng nề trong chuyến công cán đến Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Ảnh: Yonhap |
Reuters dẫn lời đặc sứ Bosworth khi đến Seoul bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán sẽ có thể khởi động trong tương lai gần. Cùng đi với ông Bosworth còn có đặc sứ Mỹ về đàm phán hạt nhân với CHDCND Triều Tiên Sung Kim. Hãng Yonhap cho biết, hôm nay (5-1), ông Bosworth sẽ gặp gỡ trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Wi Sung-lac và đến thăm Ngoại trưởng Kim Sung-hwan. Các cuộc thảo luận của ông Bosworth tại Seoul tập trung vào những điều kiện đối với CHDCND Triều Tiên trước khi nối lại đàm phán, chẳng hạn như quốc gia phía Bắc này phải ngừng phát triển hạt nhân và cho phép các thanh sát viên quốc tế trở lại.
Theo một quan chức cấp cao thuộc Chính phủ Hàn Quốc, Seoul đã thỏa thuận với các đối tác khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ, để hoàn tất các điều kiện đàm phán và sẽ gửi cho CHDCND Triều Tiên nếu đối thoại liên Triều được tái khởi động. Các quan chức nhấn mạnh rằng, chỉ có thể tiến hành đàm phán khi CHDCND Triều Tiên đồng ý đưa vấn đề hạt nhân lên bàn nghị sự trong đối thoại liên Triều và thể hiện thiện chí giải giáp hạt nhân bằng hành động cụ thể. Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn từ chối thảo luận về khủng hoảng hạt nhân với Seoul và cho rằng, đây là vấn đề giữa quốc gia này với Washington. Song, Bình Nhưỡng cũng thể hiện sự sẵn sàng trở lại bàn đàm phán.
Chuyến công cán của ông Bosworth đến Hàn Quốc và sau đó tại Trung Quốc và Nhật Bản diễn ra trước thềm hội nghị giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào ngày 19-1 tới ở Washington với chương trình nghị sự được cho là đặt trọng tâm về vấn đề CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc vốn kêu gọi khởi động lại đàm phán 6 bên về hạt nhân nhằm tháo gỡ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau việc Bình Nhưỡng nã pháo lên đảo Yeonpyeong và tiết lộ một cơ sở làm giàu uranium mới. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Mỹ phớt lờ lời kêu gọi này nếu Bình Nhưỡng không cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân bằng hành động cụ thể.
Trong lúc đó, Hàn Quốc cũng có những động thái mới khi tiếp tục tập trận hải quân vào cuối tuần này để mô phỏng sự xâm nhập của lực lượng quân đội CHDCND Triều Tiên ở biên giới biển Hoàng Hải. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-Jin cùng người đồng cấp Nhật Bản Toshimi Kitazawa cũng sẽ nhóm họp ở Seoul vào ngày 10 và 11-1 nhằm thảo luận về hợp tác quân sự, các vấn đề an ninh khu vực và giải pháp đối phó với CHDCND Triều Tiên. Hãng Reuters cho biết, Bộ trưởng Kitazawa còn dự kiến đến thăm làng đình chiến Bàn Môn Điếm và một căn cứ hải quân ở Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 70km về phía Nam, để mục kích xác tàu chiến Cheonan bị đánh chìm vào tháng 3 năm ngoái. Mặc dù “khẩu chiến” giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn diễn ra, nhưng những ngày gần đây, Seoul và Bình Nhưỡng đều đề nghị rằng, họ có thể thương lượng bằng ngoại giao. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, cơ hội để tháo gỡ bế tắc là mong manh.
PHÚC NGUYÊN