.

“Thà khóc trong chiếc BMW còn hơn cười trong chiếc Santana”

.
Gá lương thực và nhà cửa tăng vùn vụt là nỗi lo hàng đầu của người dân thành thị và nông thôn Trung Quốc
Giá lương thực và nhà cửa tăng vùn vụt là nỗi lo hàng đầu của người dân thành thị và nông thôn Trung Quốc
(ĐNĐT) - Liệu tiền có thể mua được hạnh phúc? Rõ ràng là không đối với hàng triệu người Trung Quốc, kể cả những người giàu có về kinh tế trong ba thập niên qua. Jaime FlorCruz, phóng viên của CNN đã có những nhận định về mặt trái của nền kinh tế đang nổi lên của thế giới trong năm 2010 qua bài viết sau.

Giờ đây, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Thu nhập bình quân đầu người của nước này tăng từ chưa đầy 200 USD trong những năm 1980 lên 3.700 USD vào năm 2010. Khoảng 300 triệu nông dân thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Tuổi thọ bình quân của dân chúng đã tăng thêm mười năm nữa.

Trong ba quý đầu của năm 2010, nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng 10,6 %, một con số thống kê đầy thèm muốn giữa lúc các nền kinh tế lớn khác đang vật lộn để hồi phục sau cuộc suy thoái toàn cầu.

Mặc dù vậy, đến cuối năm 2010, nhiều dân thường Trung Quốc nói rằng họ không cảm thấy vui mừng mà ngược lại họ bị choáng váng do lạm phát gia tăng và khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng rộng ra.

Khi được đề nghị chọn những từ Trung Quốc mô tả hay nhất về một năm đi qua, những người tham gia trên mạng gần đây cho thấy tâm trạng u ám bởi những các tính từ như: yuan (giận, oán hận), hui (xám), chai (đánh đổ) và si (tử, chết). Các câu trả lời trên diễn đàn trực tuyến Tianya đã tán thành “Chủ đề của Năm” là Zhang (Tăng giá).

Tại chợ nông sản Chaonei Nanxiaojie ở Bắc Kinh, những người bán hàng than phiền rằng giá cà tím, gừng, tỏi đã tăng khoảng 30% trong sáu tháng qua.

Một người bán rau tên Zheng Lin nói rằng khách hàng của mình đang cảm thấy bị tác động bởi giá cả, họ cần phải ăn và vì vậy phải trả tiền nhưng lại rên rỉ.

Giá thực phẩm và nhà cửa tăng vùn vụt đứng đầu danh sách những mối lo lắng đối với cư dân thành thị và nông thôn trong cuốn “Sách Xanh về xã hội Trung Quốc”, một tạp chí nghiên cứu được Học viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Trung Quốc phát hành vào giữa tháng 12.

Nhà xã hội học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh, Wang Shuixiong cho biết: “Giá cả của một số mặt hàng gia tăng đã gây nên áp lực tinh thần đối với những người làm công ăn lương, họ vốn nhạy cảm với việc tăng giá.” Áp lực đó đặc biệt tác động mạnh mẽ lên những người trẻ, trong đó có khoảng 20 triệu sinh viên trên toàn quốc.

Giáo sư Lu Hanlong của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho rằng chính phủ nên giúp đỡ tầng lớp thanh niên bởi họ nhạy cảm nhất đối với giá cả lương thực. Ông Lu đề nghị chính phủ nên điều chỉnh mức phụ cấp cơ bản và phụ cấp lương thực cho sinh viên đại học, cứ mỗi ba tháng một lần tùy vào sự thay đổi chỉ số giá tiêu dùng.

Theo MyCOS, một cơ quan tư vấn giáo dục tại Bắc Kinh, mức lương tháng bình quân của một người mới tốt nghiệp các đại học hàng đầu Trung Quốc chỉ trên 4.00USD, chỉ đáp ứng một phần nhỏ thu nhập sau khi trừ các khoản thuế. Theo thời giá, số tiền lương trên sẽ chỉ mua được nửa mét vuông của một căn hộ ở trung tâm thành phố Bắc Kinh.

Viễn cảnh đó ắt hẳn làm đau lòng nhiều nam thanh niên Trung Quốc. Theo bảng thăm dò toàn quốc do Hội Phụ nữ Trung Quốc và một website mai mối phối hợp thực hiện, 70% phụ nữ được hỏi nói rằng họ chỉ cưới những đàn ông đã sở hữu một căn nhà.

Giới nghệ sĩ địa phương đã bắt đầu chế nhạo sự tính toán tỉ mỉ của một số phụ nữ khi kiếm chồng. Helen Li, một nhà thiết kế thời trang tại Thượng Hải, đã phát hành bộ sưu tập phản ánh các xu hướng của xã hội. Một trong những thiết kế nổi tiếng của cô là một kiểu áo thun in dòng chữ: “Thà khóc trong một chiếc BMW còn hơn là cười trong một chiếc Santana”.

“Santana là một mẫu ô tô do hãng taxi Thượng Hải sử dụng”, Li giải thích. “Cảm hứng đó đến từ một đoạn đối thoại mà tôi được nghe trong một bữa ăn tối khi các cô gái ngồi cạnh tôi nói về quan niệm của họ về tình yêu và các mối quan hệ”, Li kể.

Khi nói về quan điểm của mình với tình trạng trên, Raymond Zhou, một người quan sát tinh tế về văn hóa Trung Quốc, Tổng biên tập tờ báo tiếng Anh, China Daily cho rằng nhu cầu vật chất cơ bản là cần thiết. Tuy nhiên, vượt xa nhu cầu đó, sự tìm kiếm lợi ích vô độ đã đem lại nhiều khổ đau hơn là sự thỏa mãn.

“Nhiều người chúng ta đã quá đầy đủ về vật chất, nhưng mức độ hạnh phúc thì còn quá thấp”, Zhou nhận xét.

Quang Hiển (dịch)
;
.
.
.
.
.