Sự đổ vỡ của đàm phán về chương trình hạt nhân Iran vào 2 ngày cuối tuần qua khiến các cường quốc phải tiếp tục chờ đợi với hy vọng các biện pháp trừng phạt sẽ thuyết phục được Tehran xem xét lại thái độ cứng rắn của mình.
Đoàn đàm phán của Iran tại Istanbul. Ảnh: Reuters |
Ra về trắng tay, Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ đã bày tỏ thất vọng về đàm phán lần này và cho biết, họ cũng không đạt được thỏa thuận về thời gian tiến hành các cuộc đàm phán mới. “Đây không phải là kết cục mà tôi mong đợi”, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, người đứng đầu đàm phán P5+1 Catherine Ashton nói. Bà Ashton cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thất bại là do những yêu cầu thiếu thực tế mà Iran đặt ra đối với 6 cường quốc bao gồm kết thúc các biện pháp trừng phạt của LHQ và đồng ý để Tehran có thể tiếp tục làm giàu uranium.
Thật ra, đàm phán đổ vỡ không phải không được dự báo trước. Các nhà phân tích còn dự đoán trước đó rằng, đây là kết quả tất yếu. Nhưng thời gian nối lại đàm phán tiếp theo không được đưa ra cũng không hẳn là sự bế tắc. Theo một trợ lý của trưởng đoàn đàm phán Iran Saeed Jalili, sẽ có các cuộc đàm phán khác, cho dù thời gian và lộ trình đến nay vẫn chưa được quyết định. Còn bà Ashton hàm ý rằng, cánh cửa đàm phán vẫn để ngỏ và sự lựa chọn nằm trong tay Iran.
Căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran leo thang trong năm 2010, với việc LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, và cuộc gặp giữa Tehran cùng 6 cường quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng trước - lần đầu tiên 2 bên trong hơn một năm qua - cũng kết thúc trong bế tắc. Tại Istanbul, các quan chức Mỹ nói rằng, P5+1 đã thể hiện sự thống nhất và hợp tác hơn nhưng những nỗ lực của họ vẫn không mang lại kết quả khả quan. Thất bại lần này cho thấy, các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Iran - nhà sản xuất dầu mỏ lớn - dường như chỉ là muối bỏ bể chứ không khuất phục được quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này, bất chấp nền kinh tế của Tehran chịu tổn thương. Ngay trước thềm đàm phán, đặc sứ Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Ali Asghar Soltanieh khẳng định không có giải pháp, trừng phạt, đe dọa, virus máy tính, thậm chí là cuộc tấn công quân sự nào có thể ngừng được chương trình làm giàu uranium ở nước ông.
Phát biểu với Đài ABC, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho hay, Chính phủ của Tổng thống Barack Obama sẽ đề xuất các biện pháp trừng phạt mới chống Iran. Trong khi đó, Nga và các nước khác vốn có quan hệ thương mại với Iran lại cho rằng, biện pháp đơn phương này phản tác dụng. Iran bác bỏ các cáo buộc về việc nước này muốn có vũ khí hạt nhân, còn quan ngại của cộng đồng quốc tế cứ gia tăng bởi chương trình làm giàu uranium có thể tạo ra nguyên liệu cho đầu đạn hạt nhân.
Tuy thất bại nhưng cả Iran lẫn P5+1 đều hàm ý về việc tiếp tục đối thoại. Điều đó chứng minh rằng, việc ngồi vào bàn đàm phán vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ cho rằng, các biện pháp trừng phạt của LHQ đã tác động đến Iran bởi có những dấu hiệu cho thấy chương trình hạt nhân của Tehran chậm lại và như thế sẽ có thời gian và chỗ dành cho các chính sách ngoại giao.
VĨNH AN