.
Thế giới tuần qua

Đối trọng quân sự từ châu Á

.
Mỹ đã lên tiếng quan ngại về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc khi những gì Bắc Kinh thể hiện đang tạo ra thế đối trọng quân sự với cường quốc hàng đầu thế giới.

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Robert Gates lên máy bay rời Washington đến châu Á. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã đưa ra những nhận định về các loại vũ khí công nghệ cao của Trung Quốc vào cuối tuần qua, trước thềm chuyến thăm của ông đến Bắc Kinh để gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của nền kinh tế lớn nhất châu Á này. Ông Gates kêu gọi thúc đẩy mối quan hệ quân sự vốn không dễ dàng giữa 2 nước nhằm tháo gỡ căng thẳng sau khi Bắc Kinh cắt liên lạc vì Washington bán vũ khí cho Đài Loan.

Trong lúc kinh tế bùng nổ, Trung Quốc đầu tư đáng kể vào quân đội của mình và sự phát triển về tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu hay các chương trình chiến lược khác tại nước này đang nhanh hơn những gì dự kiến. Điều đó khiến người đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng, nếu sức mạnh quân sự của Trung Quốc là thật thì sẽ có thể làm suy yếu khả năng quân sự truyền thống của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Theo ông, những tiến bộ này càng cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng đối thoại với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Gates cho rằng, trong nhiều năm Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ về máy bay tránh radar và thậm chí đến năm 2015, Washington vẫn có nhiều loại máy bay hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới.
 
Sự hiện diện của Bộ trưởng Gates tại Trung Quốc từ ngày 9-1 được kỳ vọng đặt nền tảng cho quan hệ quốc phòng sâu sắc hơn giữa Mỹ với “người khổng lồ” châu Á, đồng thời chứng minh với thế giới rằng, đối thoại quân sự Washington - Bắc Kinh đang được nối lại trước thềm chuyến công du của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Nhà Trắng từ ngày 18-1 đến 21-1 tới. Ông Gates bày tỏ quan điểm rằng, “mối quan hệ tích cực, toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc” không phải chỉ vì lợi ích của riêng 2 nước mà còn vì lợi ích của tất cả mọi người ở khu vực cũng như toàn cầu.

Cũng trong tuần qua, Bộ trưởng Gates đã thông báo giảm 78 tỷ USD chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong 5 năm tới, theo đó sẽ giảm quân số và một số chương trình nghiên cứu vũ khí hiện đại. Song, trong đề xuất ngân sách cho năm 2012, Lầu Năm Góc đã kêu gọi đầu tư các vũ khí và thiết bị, bao gồm một máy bay ném bom tầm xa, thiết bị gây nhiễu điện tử dùng cho Hải quân, cải thiện radar cho các máy bay F-15, một phương tiện phóng vệ tinh và một máy bay tấn công, giám sát không người lái…

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt khẳng định: Bắc Kinh có điều kiện đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa quân đội nhờ vào thành tựu nổi bật về kinh tế. Một tờ báo của Trung Quốc cho rằng, về lâu dài cường quốc châu Á này sẽ sở hữu những vũ khí hạng nhất đủ sức cạnh tranh với bộ máy chiến tranh của Mỹ.

Ý thức được sức mạnh của Trung Quốc, Mỹ luôn muốn xây dựng mối quan hệ bang giao bền vững với Bắc Kinh. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã phục hồi các quan hệ hạn chế với Lầu Năm Góc sau những căng thẳng do Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Song, dù Bộ trưởng Gates mang theo những thiện chí đến Bắc Kinh, ông cũng không thể chiếm thế thượng phong trong các cuộc đối thoại. Ngay chính quan chức quân sự này cũng hiểu rằng, những cái “bắt tay” của “người khổng lồ” châu Á có chăng cũng là vì quyền lợi của quốc gia này. Và từ bên kia bờ Đại Tây Dương đang nổi lên một đối trọng mới, phá vỡ thế độc tôn về mặt quân sự bao nhiêu năm qua của Mỹ.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.