.

Biểu tình tại Bắc Phi và Trung Đông dâng cao

.
(ĐNĐT) - Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bắc Phi và Trung Đông đã trở nên căng thẳng,số người thiệt mạng tăng nhanh và các cuộc trấn áp của các chính phủ cũng mạnh mẽ hơn.

Mô tả ảnh.
Những người biểu tình chống chính phủ thắp nến tại Manama, Bahrain (Ảnh: AP)
Tại Libya, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại các thành phố phía đông, như: Benghazi, Baida, Ajdabiya, Zawiya và Derna vào ngày 18-2. Các cuộc biểu tình này diễn ra sau cuộc trấn áp bạo lực chống lại cuộc biểu tình hòa bình một ngày trước đó, đưa tổng số người chết trong 3 ngày qua lên 84 người.

Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York cho biết, một số nguồn tin từ các bệnh viện nói rằng, các lực lượng an ninh đã nổ súng vào những người biểu tình khi họ tiếp cận tòa nhà của Tổng thống Kadhafi tại Benghazi, nơi ông ở mỗi khi thăm thành phố này, làm chết 35 người và làm bị thương hơn 200 người.

Tại Bahrain, ngày 19-2, khối đối lập chính người Shiite đã từ chối một cuộc đối thoại quốc gia do nhà vua Bahrain kêu gọi sau các cuộc bạo loạn tuần qua nhằm kết thúc cuộc bạo loạn bắt đầu từ hôm thứ Hai 14-2 làm thiệt mạng 6 người và hàng trăm người bị thương.

Ibrahim Mattar, một thành viên của tổ chức Wefaq, một tổ chức vừa rút khỏi nghị viện Bahrain, ngày 17-2 nói với phóng viên Reuters rằng : “Chúng tôi không thấy có một ý định nghiêm túc cho cuộc đối thoại này bởi vì quân đội đang hiện diện trên các đường phố”.

Ông Mattar nói rằng, chính quyền nên “chấp nhận khái niệm quân chủ lập hiến” và rút binh lính ra khỏi các đường phố trước khi bắt đầu đối thoại. Sau đó, mới tính đến một chính phủ lâm thời với các gương mặt mới mà không bao gồm các bộ trưởng nội vụ và quốc phòng hiện nay.

Sau đó vài giờ, quân đội và các xe bọc thép đã rút khỏi quảng trường Pearl, lợi dụng tình hình đó, những người biểu tình đã tái chiếm khu vực quảng trường mà trước đó họ đã rút lui dưới sự trấn áp mạnh mẽ của quân đội.

Tại Washington, Nhà Trắng cho biết, tối 18-2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói chuyện với Vua Ali Khalifa qua điện thoại, lên án các cuộc trấn áp bạo lực của chính phủ Bahrain và kêu gọi chính phủ Bahrain hãy kìm chế. Ông Obama nói rằng, sự ổn định của Bahrain phụ thuộc vào sự tôn trọng quyền của người dân.

Tại Yemen, ngày 19-2, cảnh sát chống bạo loạn đã nã súng vào hàng nghìn người biểu tình, bắn chết một người và làm bị thương 5 người khi cuộc biểu tình bước sang ngày thứ 10.

Những người biểu tình đã bắt đầu cuộc tuần hành từ Đại học Sanaa đến Bộ Tư pháp và hô vang khẩu hiệu “Nhân dân muốn chế độ này sụp đổ” cho đến khi họ đụng phải cảnh sát chống bạo loạn và những người ủng hộ Tổng thống Ali Abdullah Saleh, một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Ông Saleh đã nắm quyền lãnh đạo đất nước trong 32 năm qua.

Tại thành phố cảng Aden, cảnh sát chống bạo loạn cũng đã làm 4 người biểu tình thiệt mạng.

Để dẹp yên các vụ nổi dậy khác bùng phát, Tổng thống Saleh hứa sẽ đáp ứng những yêu sách của những người biểu tình và đã gặp gỡ các tộc trưởng của các bộ lạc, họ là những nền móng hậu thuẫn chính yếu của ông. Tuy nhiên, một trong những tộc trưởng chủ chốt từ chính bộ tộc của ông Saleh đã bất bình với những chính sách của ông và đe dọa sẽ tham gia biểu tình.

Đến nay, đa số những người biểu tình là sinh viên, những công chức có học và những nhà hoạt động, họ sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter để hiệu triệu người dân xuống đường.

Quang Hiển (Theo CNN, BBC, Reuters)
;
.
.
.
.
.