Thái Lan và Campuchia đều đối mặt với áp lực ngoại giao gia tăng nhằm kết thúc xung đột xung quanh ngôi đền Preah Vihear 900 năm tuổi ở khu vực biên giới mặc dù tiếng súng đã im ắng trong 2 ngày qua.
Hãng Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết, khoảng 20 xe tăng của Thái Lan đã được điều động đến khu vực Kantaralak thuộc tỉnh Sri Sa Ket, gần biên giới tranh chấp. Song, các nhà chức trách quân đội Thái nói rằng, họ không triển khai lực lượng tại khu vực này. Cả Thái Lan và Campuchia đều đổ lỗi cho nhau về những động thái gây ra xung đột khiến ít nhất 3 người Thái và 8 người Campuchia thiệt mạng kể từ ngày 4-2 đến nay. Theo công bố chính thức từ hai phía, ít nhất 34 người Thái và 55 người Campuchia bị thương. Song, trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 9-2, 3 binh sĩ Campuchia cho hay, số người chết dường như cao hơn con số mà Chính phủ đưa ra.
Các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm thiểu căng thẳng giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á đang được tiến hành. Các nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiều khả năng sẽ nhóm họp vào tuần đến sau khi Mỹ, Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đưa ra những tuyên bố thúc giục Thái Lan cùng Campuchia kiềm chế. Thani Thongpakdi, người phát ngôn của Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya cho hay, các đàm phán song phương có thể diễn ra ở New York (Mỹ) vào ngày 14-2 tới. Thái Lan và Campuchia đều là thành viên của ASEAN, khu vực vốn có kế hoạch hình thành một thị trường theo kiểu châu Âu vào năm 2015. ASEAN đã thúc giục đàm phán song phương, tiến đến kết thúc xung đột về vấn đề tranh chấp biên giới từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Tại khu vực biên giới phía bắc Campuchia, các trường học, đền đài đã trở thành các trung tâm tị nạn tạm thời. Chea Dara, phó tướng lĩnh quân đội Campuchia khẳng định tình hình đã lắng dịu nhưng những gì diễn ra tiếp đến phụ thuộc vào quân đội Thái.
Cũng trong ngày 9-2, Campuchia tức giận bác bỏ cáo buộc của Thái Lan rằng, Chính phủ Phnom Penh đã sử dụng ngôi đền có từ thế kỷ thứ 11 đang là tâm điểm tranh chấp giữa hai nước làm căn cứ quân sự. Thái Lan cho rằng, Campuchia đã đóng quân tại đền Preah Vihear và nã súng sang biên giới nước láng giềng, khiến nước này không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Campuchia kịch liệt bác bỏ “sự vu khống” và khẳng định chưa bao giờ có binh sĩ Phnom Penh tại đền Preah Vihear. Campuchia buộc tội Thái Lan đã phá hủy một phần của ngôi đền được công nhận là Di sản Thế giới này nhưng tuyên bố của Phnom Penh bị Bangkok bác bỏ. Tranh cãi giữa Thái Lan và Campuchia lại làm “nóng” cuộc “khẩu chiến” trong khi một thỏa thuận ngừng bắn rất mong manh. UNESCO dự kiến sẽ cử một đội chuyên gia đến xem xét thiệt hại của đền Preah Vihear.
Động cơ thật sự dẫn đến xung đột mới nhất giữa hai nước Đông Nam Á vẫn chưa được làm rõ, mặc dù các nhà phân tích đưa ra một số nhận định có liên quan đến tình hình nội bộ của Thái Lan trước thềm cuộc bầu cử sắp tới.
THIÊN BÌNH