Các nước châu Á đã chuẩn bị kế hoạch sơ tán 100.000 lao động nhập cư ra khỏi Libya, nơi có rất nhiều nhân công được thuê với giá thấp thông qua các trang web xây dựng. Libya đang xảy ra bất ổn chính trị lớn với các cuộc biểu tình trên đường phố chống lại nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi cầm quyền suốt 42 năm.
Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Rao khẳng định tính đến ngày 23-2, việc sắp xếp để sơ tán bằng đường hàng không và đường biển đã hoàn tất. Theo AFP, có khoảng 18.000 người Ấn Độ đang sống tại Libya, trong đó 3.000 người làm việc cho các công ty và bệnh viện ở thành phố chìm trong bạo lực Benghazi. Ông Rao nói rằng, một tàu chở khách với sức chứa 1.000 người đang hiện diện trên Biển Đỏ.
Còn Bangladesh, quốc gia nghèo khó, phần lớn dựa vào thu nhập của lao động làm việc ở nước ngoài gửi về, cũng đang tìm kiếm biện pháp sơ tán số lượng lớn công dân khỏi Libya. Ngoại trưởng Mijarul Quayes bày tỏ mối quan tâm hàng đầu là sự an toàn và an ninh đối với 60.000 lao động Bangladesh. Cả Bangladesh lẫn Sri Lanka đều đã liên lạc với Tổ chức Quốc tế về nhập cư (IOM) để tìm kiếm sự hỗ trợ cho các kế hoạch sơ tán dân. Hai quốc gia này cũng đề nghị đại sứ của các nước khác trợ giúp để bảo đảm đưa tất cả công dân của họ về nước an toàn. Với 1.200 lao động đăng ký làm việc ở Libya, nhưng các nhà chức trách Sri Lanka cho rằng, con số thực tế còn cao hơn thế.
Trong khi đó, Nepal đang tìm cách đưa 2.000 công dân của họ về nước. Trung Quốc khẳng định sẽ gửi máy bay, tàu và cả tàu cá đến Libya để sơ tán hơn 30.000 người dân. Một máy bay của hãng Hàng không Trung Quốc ngày 23-2 đã rời Bắc Kinh để đến thủ đô Athens của Hy Lạp và chờ đợi lệnh hạ cánh ở Libya. Bắc Kinh cũng thiết lập một trung tâm khẩn cấp do Phó Thủ tướng Trương Đức Giang lãnh đạo nhằm điều phối việc sơ tán công dân Trung Quốc, cũng như những người Hồng Kông, Macau và Đài Loan.
Hai tàu chở 3.000 người Thổ Nhĩ Kỳ từ thành phố Benghazi của Libya trở về nước và cập cảng Marmaris ở Địa Trung Hải vào đêm 23-2 (giờ địa phương). Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết sẽ bắt đầu đưa người dân nước này đang sống ở Libya về nhà bằng tàu. Trong lúc đó, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cảnh báo làn sóng biểu tình ở Trung Đông sẽ lan rộng sang châu Âu và Bắc Mỹ. |
“Ông Gadhafi nói với tôi rằng, ông ấy dự định dùng máy bay chống lại người dân ở Benghazi và tôi khẳng định sẽ có hàng ngàn người chết nếu làm như thế”, hãng CNN dẫn lời ông Abidi trả lời phỏng vấn qua điện thoại bằng tiếng Arab cho hay. Ông Abidi hiện ủng hộ người dân Libya và một cuộc cách mạng ở đất nước Bắc Phi này. Cựu Bộ trưởng Nội vụ cũng tiên đoán cách mạng sẽ thành công trong “một vài ngày hoặc một vài giờ”. Ông Abidi nói rằng, toàn bộ phần phía đông của đất nước không còn nằm trong tầm kiểm soát của nhà lãnh đạo Gadhafi và lực lượng an ninh nơi đây đã nhận lệnh không bao giờ nổ súng vào người dân, ngoại trừ trong những trường hợp phải tự vệ. Một vài giờ sau khi ông Abidi phát biểu, Chính phủ Libya cho biết, ông này đã bị các băng đảng ở Benghazi bắt cóc.
Theo CNN, đại sứ Libya tại Mỹ Ali Aujali đã kêu gọi ông Gadhafi từ chức. Nhiều quan chức của Libya, trong đó có cả trợ lý đại sứ tại Liên Hợp Quốc, nói rằng bây giờ họ làm việc vì người dân quốc gia này, chứ không vì ông Gadhafi. Đại sứ Libya tại Bangladesh, A.H. Elimam, cũng đã từ chức trước đó và đứng về phía những người biểu tình.
PHÚC NGUYÊN