.

Chính phủ Ai Cập và phe đối lập đạt được thỏa thuận

.
Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman, ngày 6-2, đã có cuộc đàm phán với đại diện các phe phái đối lập và lực lượng biểu tình nhằm tiến tới thiết lập một cuộc đối thoại quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang gây đổ máu hiện nay.

Mô tả ảnh.
Người biểu tình vây quanh xe quân đội tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo tối 6-2 (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc gặp, nhiều đảng phái chính trị và người biểu tình đã chấp nhận ý kiến về việc Tổng thống Hosni Mubarak sẽ duy trì quyền lực cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9-2011 và không tiếp tục tham gia tranh cử "nhằm đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng."

Những người tham gia cuộc họp nhất trí cho rằng, những đòi hỏi hợp pháp của Phong trào Thanh niên 25-1 và các nhóm chính trị khác sẽ được giải quyết một cách nghiêm túc và ngay lập tức. Các thủ tục được lựa chọn sẽ chỉ mang tính tạm thời cho tới khi một tổng thống mới được bầu ra.

Các bên tham gia đàm phán cũng nhất trí sửa đổi các Điều 76 và 77 trong Hiến pháp và đề xuất một số sửa đổi cần thiết khác cho việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Theo thỏa thuận, "một ủy ban gồm các thẩm phán và chính khách sẽ nghiên cứu và đề xuất những sửa đổi hiến pháp và luật pháp cần thiết trước tuần đầu tiên của tháng Ba tới."

Các bên cũng nhất trí thành lập một ủy ban tiếp nhận những khiếu nại về tù nhân chính trị, dỡ bỏ những hạn chế và sự đàn áp đối với giới truyền thông, đồng thời dỡ bỏ lệnh về tình trạng khẩn cấp, khi tình hình an ninh được cải thiện.

Luật tình trạng khẩn cấp được thiết lập từ năm 1981 sau khi Tổng thống Anwar Sadat bị ám sát, cho phép giới chức bắt giữ các đối tượng tình nghi khủng bố và buôn bán ma túy, khám xét các địa điểm khả nghi và hủy bỏ giấy phép sở hữu vũ khí và vật liệu nổ. Phe đối lập cáo buộc chính phủ đã sử dụng luật tình trạng khẩn cấp để trấn áp họ trong thời gian qua.

Cuộc sống ở thủ đô Cairo bắt đầu có dấu hiệu tạm trở lại bình thường. Các trường học, cửa hàng và ngân hàng đã được mở cửa, trong khi giao thông công cộng cũng bắt đầu phục vụ khách trở lại. Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết, cảnh sát được triển khai để thay thế quân đội vốn được huy động từ ngày 28-1 để bảo vệ tài sản nhà nước và tư nhân trong những cuộc biểu tình.

Ngân hàng trung ương Ai Cập (CBE) xác nhận rằng, tài khoản của các khách hành vẫn an toàn. Đồng USD không tăng giá mạnh so với đồng bảng của Ai Cập, như một số nhà quan sát đã dự báo.

Tuy nhiên, các nhóm thanh niên đứng đằng sau cuộc nổi dậy của phe đối lập ngày 6-2 đã thành lập một liên minh, khẳng định sẽ không chấm dứt hoạt động chiếm giữ quảng trường Tahrir cho đến khi bảy yêu sách của họ được đáp ứng, trong đó có yêu sách chính là Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức.
 
TTXVN
;
.
.
.
.
.