.

Giàu nhất thế giới và sự hấp hối của một chế độ

.

Nhật báo Guardian của Anh, mới đây dẫn lời các chuyên gia Ai Cập ước tính tài sản của gia đình ông Mubarak có thể lên tới 70 tỉ USD. Phần lớn của cải được cất giấu trong các tài khoản nước ngoài hoặc đầu tư vào địa ốc ở Mỹ, Anh. Vợ và các con của ông Mubarak cũng được đánh giá là những tỉ phú đôla.

 

Mô tả ảnh.
Gia đình ông Mubarak.

Với tài sản trên, đủ để đưa ông Mubarak trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới, trong khi khi 40% dân số Ai Cập sống dưới mức 2 USD/ngày.

Theo các chuyên gia này, hầu hết gia tài của Tổng thống Ai Cập nằm tại các ngân hàng Thụy Sĩ hoặc có dính tới những bất động sản ở các thành phố thuộc vào dạng “hàng khủng” như New York, Los Angeles và London.

Một số chuyên viên nói ông Mubarak cũng có một vài biệt thự tráng lệ tại Ai Cập.

Bà Susan, vợ Tổng thống Mubarack và hai con trai Gamal và Alaa cũng được biết đến như các tỷ phú của Ai Cập. Các chuyên gia Mỹ và Anh nói sự giàu có của gia đình Mubarak có từ khi ông Mubarak là một sĩ quan không quân và hưởng lợi từ những vụ hối lộ của các công ty muốn trúng thầu với quân đội. Sau đó, gia đình ông tích lũy thêm nhờ hợp tác với những nhà đầu tư và công ty nước ngoài.

Nếu tài sản của ông Mubarak lên tới 70 tỷ USD thì con số này sẽ vượt xa tài sản của tỷ phú giàu nhất thế giới người Mehico Carlos Slim Helu hiện được đánh giá vào khoảng 53,5 tỷ USD và á quân là nhà sáng lập hãng Microsoft Bill Gates với tổng giá trị tài sản 53 tỷ USD.

Ông Christopher Davidson, thuộc Đại học Durham (Anh), cho biết gia đình Mubarak càng giàu thêm qua các khoản hợp tác với những nhà đầu tư, công ty nước ngoài. Theo ông Davidson, các nước vùng Vịnh yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài trao 51% cổ phần cho đối tác địa phương khi thành lập doanh nghiệp. Tại Ai Cập, con số chỉ khoảng 20% nhưng cũng đủ để các chính trị gia đục khoét những khoản lợi khổng lồ.

“Có quá nhiều tham nhũng, lấy của công làm của riêng trong chế độ này. Nó cũng tương tự như vậy ở những nước Trung Đông khác” , giảng viên khoa học chính trị Amaney Jamal nhận xét. Theo bà Jamal, các lãnh đạo Trung Đông khác cũng có thể sở hữu khối tài sản tương tự ông Mubarak.

 

mubarack2.jpg
Biểu ngữ phản đối ông Mubarak trên quảng trường Tahrir.


Trong một diễn biến có liên quan, ngày 8-2, phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman cảnh báo rằng không nên kéo dài cuộc biểu tình ở Quảng trường Tahrir, bởi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay "rất nguy hiểm với xã hội".

Những tuyên bố của phó Tổng thống Suleiman được đưa ra khi ngày 8-2 cũng là ngày diễn ra cuộc biểu tình rầm rộ nhất kể từ khi bùng phát làn sóng bạo loạn phản đối Tổng thống Mubarack. Hàng trăm nghìn người tụ tập tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo, thành phố Alexandria và nhiều thành phố khác, đông hơn nhiều so với tất cả các cuộc biểu tình những ngày trước đó.

Tham gia biểu tình có một trong những thủ lĩnh thanh niên vừa được thả, thậm chí có nhiều nhân viên chính phủ, giảng viên đại học...


Phụ trương của báo Thế giới (Pháp) ngày 8-2 đăng bài viết mang tựa đề “Thế giới Arập, sự hấp hối của một chế độ”, cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay trong thế giới Arập hay các nước Trung Đông và Bắc Phi (MENA) là cuộc khủng hoảng xã hội chính trị, tiếp nối cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Samir Aita, chủ tịch nhóm các nhà kinh tế Arập, trưởng ban biên tập phiên bản tiếng Arập của “Thế giới ngoại giao” nói tại các quốc gia MENA, sau khi chế độ thực dân chấm dứt, một Nhà nước phúc lợi đã hình thành. Tuy nhiên, các thể chế Nhà nước tại đây đã nhanh chóng chuyển thành các chế độ “Quân chủ phi lập hiến”, hay các chế độ “Cộng hòa dưới sự lãnh đạo suốt đời của một người và mang tính cha truyền con nối”.


Sự mất cân bằng về cơ cấu cùng với sự tồn tại của các chế độ chính trị độc đoán đầy tham nhũng khiến cho nền kinh tế tăng trưởng không đủ mạnh (đáng lý tỷ lệ này phải đạt mức 7-8%, thay vì 5% như hiện nay), để tạo công ăn việc làm mới cho giới trẻ có học vấn và tay nghề.

Các xã hội Trung Đông và Bắc Phi đã và đang trải qua một giai đoạn bùng nổ dân số khiến cho vấn đề thất nghiệp và việc làm càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong giai đoạn gần đây, nền kinh tế các nước Arập có xu hướng đa dạng hóa và nỗ lực tham gia vào các công đoạn cao cấp trong dây chuyền sản xuất và thương mại toàn cầu. Song theo báo trên, cơ cấu của các doanh nghiệp lớn của các nước Arập, đã gặt hái thành công, chủ yếu vẫn mang tính gia đình và không tạo điều kiện cho sự phát triển của mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo báo Thế giới, hy vọng của giới trẻ Trung Đông và Bắc Phi hướng về Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã thực hiện sự chuyển đổi thành công. Thổ Nhĩ Kỳ, bằng con đường dân chủ, đã thoát khỏi sự thống trị của nhóm quân sự độc quyền, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, với một thế hệ các doanh nhân mới hết sức năng động, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, cũng như một mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động tích cực trên thị trường quốc tế.
;
.
.
.
.
.