Những người biểu tình ném đá vào cảnh sát chống bạo động ở Tehran. Ảnh: AP |
Tối 14-2, tiếng hô “Allahu Akbar” (Chúa là vĩ đại nhất) vang lên khi dòng người đổ về Quảng trường Azadi ở trung tâm thủ đô Tehran để phản đối Chính phủ Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Reuters cho rằng, sự kiện này gợi nhớ các cuộc biểu tình kéo dài một tháng vào năm 2009 chống lại việc tái đắc cử gây tranh cãi của ông Ahmadinejad. Kết quả của hoạt động này là 8 người biểu tình thiệt mạng, hàng ngàn người khác bị bắt.
Theo một nhân chứng, lực lượng an ninh lần này đã dùng hơi cay để giải tán đám đông tiến về Quảng trường Azadi. Theo một nhân chứng khác, đã có xung đột xảy ra giữa cảnh sát và những người biểu tình và hàng chục người bị bắt ở thành phố Isfahan. Một số người biểu tình tại Tehran giương cao biểu ngữ “Mang cái chết đến với nhà độc tài”. Trong khi đó, nhiều đoàn người biểu tình khác tham gia tuần hành trong im lặng. Không ít người biểu tình so sánh nhà lãnh đạo Iran với những nhà độc tài bị lật đổ trong những tuần qua ở Tunisia và Ai Cập.
Reuters cho hay, các nhà lập pháp Iran ngày 15-2 đã giục tử hình đối với những thủ lĩnh đối lập như Mehdi Karroubi và Mirhossein Mousavi, những người kích động tình trạng bất ổn trên. Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani cáo buộc Mỹ và các đồng minh của Washington đã ủng hộ phe đối lập. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ca ngợi lực lượng biểu tình đầy can đảm, có khát vọng và cho rằng, Chính phủ Tehran phải cởi mở hệ thống chính trị. Mặc dù bà Clinton nói rằng, thông điệp mà Mỹ gửi đến các nhà chức trách Iran giống như thông điệp Ai Cập.
Liên quan đến giai đoạn hậu Mubarak, các Bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 15-2 đã phong tỏa tài sản của các trợ lý cho Tổng thống bị lật đổ này. Hãng AFP cho biết, sau khi Ai Cập đề xuất 3 cường quốc hàng đầu châu Âu, bao gồm Anh, Pháp và Đức, phong tỏa các tài khoản ngân hàng, các Bộ trưởng Tài chính của tất cả 27 thành viên thuộc EU đã nhóm họp. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nhấn mạnh đến cam kết của tất cả 27 thành viên nhằm “đóng băng” tài sản của các trợ lý thân cận nhất với ông Mubarak.
Biểu tình lan rộng Trung Đông Tại Bahrain, lực lượng an ninh cũng phải dùng hơi cay và súng bắn chim nhằm vào đám đông trong lễ tang một người 31 tuổi thiệt mạng khi diễn ra các cuộc biểu tình đầu tiên theo kiểu Ai Cập. Ít nhất một người chết và dấy lên làn sóng bất ổn, đồng thời tạo ra thách thức với nền quân chủ Sunni ở Bahrain - đồng minh chiến lược của phương Tây và là nơi đồn trú của một hạm đội Hải quân Mỹ. Tuần trước, giới chức Bahrain đã nỗ lực xoa dịu những lời kêu gọi cải cách bằng cách cam kết hỗ trợ gần 2.700 USD cho mỗi gia đình và nới lỏng kiểm soát của Nhà nước đối với truyền thông. Song, theo AP, lực lượng biểu tình nơi đây không có ý định lật đổ Chính phủ mà yêu cầu của họ là tự do chính trị hơn và những thay đổi mạnh mẽ tại quốc gia này. Tại Yemen, những người biểu tình thúc đẩy việc lật đổ Tổng thống thân Mỹ Ali Abdullah Saleh vốn cam kết sẽ từ nhiệm vào năm 2013. |