.

Không thể đứng bên lề

.

Trung Đông đang đứng trước làn sóng biểu tình chống Chính phủ và đối mặt với kêu gọi cải cách. Biểu tình cũng lan rộng sang Bắc Phi. 

 

Mô tả ảnh.
Những người biểu tình tập trung tại Quảng trường Pearl ở Bahrain. Ảnh: NYT

Theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, các nhà lãnh đạo Trung Đông không thể đứng bên lề khi người dân của họ yêu cầu thay đổi. Ông Obama đề cập đến làn sóng biểu tình được cho là hiệu ứng domino từ Tunisia và Ai Cập đang lan ra khắp Trung Đông.

CNN cho biết, phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ nói rằng, giới chức Iran đang mượn cớ sự kiện ở Ai Cập để xả súng và trấn áp những người đang cố gắng thể hiện hòa bình. Nhắc đến cáo buộc của Iran rằng, Mỹ và các cường quốc khác đứng sau những cuộc biểu tình chống Chính phủ ở Tehran cũng như các thành phố khác vào ngày 14-2, Tổng thống Obama khẳng định: Washington có thể ủng hộ tinh thần cho những người đang muốn tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Người đứng đầu Nhà Trắng đã bày tỏ hy vọng nhìn thấy người dân Iran can đảm thể hiện mong muốn của mình về sự tự do hơn và một Chính phủ đại diện hơn. Còn thủ lĩnh đối lập Mahdi Karroubi vốn là mục tiêu đe dọa của các nghị sĩ Iran trong tuyên bố ngày 16-2 nói rằng, ông sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để mang lại dân chủ cho nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Làn sóng biểu tình ở các nước Trung Đông bắt đầu từ giữa tháng 1 vừa qua, khiến nhà độc tài Tunisia Zine El Abidine Ben Ali phải lưu vong ở Saudi Arabia. Sau thời gian nắm quyền suốt 30 năm, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải từ chức vào cuối tuần trước. Đến nay, phong trào theo kiểu Tunisia và Ai Cập diễn ra trên khắp các đường phố ở Algeria, Jordan, Yemen, Bahrain, Sudan và mới nhất là Libya. Trước những diễn biến này, Tổng thống Obama cho hay, Chính phủ của ông đã nói với các nhà lãnh đạo Trung Đông rằng, “thế giới đang thay đổi” và “các ngài không thể đứng bên lề”.

Theo ông chủ Nhà Trắng, sẽ đạt được sự ổn định thật sự nếu thanh niên và người dân thường cuối cùng cảm thấy rằng có những con đường để họ nuôi sống gia đình, có việc làm ổn định, thụ hưởng nền giáo dục tốt và mơ ước về một cuộc sống tốt hơn. “Các ngài không thể nắm quyền lực bằng sự cưỡng chế”, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh.

Sáng 16-2, hàng ngàn người Shiite, lấy cảm hứng từ các cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập, đã tiếp tục tập trung ở thủ đô Manama của Bahrain để tưởng niệm người biểu tình thứ hai thiệt mạng trong các cuộc xung đột vào tuần này. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley đã kêu gọi các bên kiềm chế và tránh bạo lực. Yêu cầu của lực lượng biểu tình vẫn là Thủ tướng Sheikh Khalifa bin Salman al-Khalifa từ chức, phóng thích tù nhân chính trị và soạn thảo Hiến pháp mới. Ông Salman al-Khalifa nắm quyền lực kể từ khi quốc gia Arab này giành độc lập vào năm 1971. Nghèo đói, thất nghiệp và việc Chính phủ thừa nhận quốc tịch đối với người nước ngoài Sunni nhằm cân bằng nhân khẩu học đã làm dấy lên sự bất mãn trong người Shiite ở Bahrain. Khoảng 1/2 trong số 1,3 triệu người ở quốc đảo này là người Bahrain, còn lại là công nhân nước ngoài.

Trong lúc đó, Libya cũng bị chấn động khi hàng trăm người tràn xuống đường phố Tripoli vào ngày 16-2, đòi lật đổ Chính phủ và Thủ tướng Baghdadi al-Mahmoudi từ nhiệm. Đây là dấu hiệu cho thấy bất ổn lan rộng từ các nước Arab sang Bắc Phi. Tuy nhiên, đám đông dường như không thể hiện sự tức giận với nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi, người đã nắm quyền hơn 40 năm qua. AFP cho hay, 14 người bị thương trong các cuộc xung đột ở thành phố Benghazi.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.