(ĐNĐT) - Làn sóng biểu tình chống chính phủ tại thế giới Ả Rập đã lan sang Bahrain và Libya. Đã có người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Hàng nghìn người Bahrain xuống đường biểu tình. Ảnh: Getty |
Khoảng 3.000 người đã dựng lều và cắm trại tại bùng binh Manama’s Pearl. Cảnh sát đã chừa ra một khoảng trống cho người biểu tình trút cơn giận dữ của mình trước lễ tang ngày 16-2 của một người biểu tình thiệt mạng.
Bahrain là quốc gia mới nhất tại thế giới Ả Rập đối mặt với làn sóng biểu tình. Ngày 15-2, vua Hamad bin Isa Al Khalifa đã thông báo rằng sẽ thiết lập một ủy ban nghiên cứu các đề xuất cải cách.
Bahrain là đồng minh của Mỹ và còn là căn cứ của Hạm đội số 5 của Hải quân Hoa Kỳ. Tại Washington, Bộ ngoại giao Mỹ nói rằng họ rất “quan ngại” với tình trạng bạo lực và hoan nghênh những hứa hẹn của chính phủ Bahrain đối với việc điều tra.
Đất nước Bahrain được Hoàng gia Hồi giáo dòng Sunny cai quản. Tuy nhiên 2/3 dân số lại là người Hồi giáo Shiite. Trong những năm gần đây, những người Shiite trẻ đã tiến hành các cuộc biểu tình bạo lực để phản đối sự phân biệt chủng tộc, nạn thất nghiệp và tham nhũng. Nhiều người Shiite cho rằng hiến pháp của đất nước ít được thay đổi để cải thiện đời sống người dân.
Phong trào biểu tình tại Bahrain đã được tổ chức thông qua các website như Facebook và Twitter, theo cách làm của người Tunisia và Ai Cập.
Trong khi đó, ngày 16-2 đã có 14 người bị thương khi hàng trăm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát và những người ủng hộ chính phủ Libya tại thành phố Benghazi. Cuộc nổi loạn đã diễn ra sau vụ bắt giữ luật sư về nhân quyền Fathi Terbil của lực lượng an ninh.
Hiện vẫn chưa có nguồn tin độc lập khẳng định đã xảy ra biểu tình tại Benghazi, nhưng những người chứng kiến nói rằng đã có gần 2.000 người tham gia biểu tình. Những người chứng kiến cho biết, lực lượng cảnh sát đã dùng súng phun nước, xịt hơi cay và đạn cao su chống lại những người biểu tình và họ ném đá đáp trả.
Một lời kêu gọi biểu tình trên toàn quốc chống chính phủ Bahrain vào ngày 17-2 đã được tung lên mạng internet nhằm thách thức chính quyền của ông Muammar Gaddafi. Ông Gaddafi đã lên nắm quyền trong 41 năm qua, là nhà lãnh đạo lâu nhất ở châu Phi và thế giới Ả Rập. Ông lên nắm quyền sau vụ đảo chính năm 1969 và bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền.
Quang Hiển (Theo BBC, CNN)