.

Libya bên bờ nội chiến

.
Bất ổn tại Libya là thách thức lớn nhất trong 42 năm nắm quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.  Saif al-Islam Gaddafi, con trai của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, ngày 21-2 cảnh báo rằng có khả năng xảy ra nội chiến tại đất nước Bắc Phi này. Saif al-Islam đã phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia trong lúc các cuộc biểu tình chống Chính phủ và xung đột vẫn lan rộng ở thủ đô Tripoli.

Mô tả ảnh.
Phát biểu trên đài truyền hình, Saif al-Islam Gaddafi cam kết thực hiện cải cách. Ảnh: Getty Images
Saif al-Islam xuất hiện trên Đài truyền hình với nỗ lực vừa đe dọa, vừa trấn an người dân khi nói rằng, quân đội đứng sau cha của ông - “lãnh đạo cuộc chiến ở Tripoli”, và quân đội sẽ áp đặt an ninh bằng mọi giá. “Libya không phải là Tunisia hoặc Ai Cập”, Saif al-Islam nói. Tuyên bố của ông cũng là phản ứng chính thức đầu tiên của các nhà chức trách Libya trước tình hình bất ổn. Các kênh truyền hình Al-Alabiya và Al-Jazeera trước đó cho biết, nhà lãnh đạo Gaddafi đã rời khỏi đất nước để đến Brazil hoặc Venezuela nên Saif al-Islam nắm quyền điều hành. Tuy nhiên, thông tin này chưa được các nhà chức trách Libya xác nhận. 

Saif al-Islam cho rằng, quân đội đã phản ứng quá mạnh tay đối với những người biểu tình. Theo ông, binh lính bắn vào dòng người biểu tình bởi họ không được huấn luyện để đối phó với bạo loạn. Ông cáo buộc những phần tử đối lập lưu vong kích động bạo lực với âm mưu đẩy đất nước vào nội chiến. Nhằm xoa dịu tình hình, Saif al-Islam cũng cam kết cải cách, sửa đổi nhiều đạo luật khắt khe và tổ chức trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới. 

Hãng Reuters dẫn lời Saif al-Islam chỉ trích giới truyền thông nước ngoài đã phóng đại tình hình bạo lực, bởi số người chết thấp hơn con số đã công bố. Theo Tổ chức Quan sát nhân quyền, ít nhất 223 người chết trong các cuộc đụng độ ở Libya trong 5 ngày bất ổn vừa qua. Song, con số thực tế cho đến nay vẫn chưa được đưa ra chính thức.

Lực lượng biểu tình chống Chính phủ vẫn tiếp tục tuần hành trên các đường phố Tripoli. Các thủ lĩnh những bộ tộc lên tiếng chống lại ông Gaddafi. Một số đơn vị quân đội bỏ theo phe đối lập. Trong lúc Saif al-Islam đang phát biểu, cảnh sát dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình. Các nhân chứng còn nghe tiếng súng, nhìn thấy các phương tiện bốc cháy. Những người biểu tình thậm chí ném đá vào các tấm bảng có hình ảnh Gaddafi. Nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư ở châu Phi với 1,6 triệu thùng dầu/ngày đang phải trải qua một trong những cuộc nổi dậy đẫm máu nhất ở thế giới Arab đầy biến động lúc này.

Có mặt trong dòng người biểu tình, nhiều người đã phản ứng tức giận trước phát biểu của Saif, cho rằng ông này nói dối và cam kết cải cách là câu chuyện quá cũ. “42 năm qua, chúng tôi đã nghe những lời nói dối như thế”, một luật sư ở thành phố lớn thứ hai Benghazi bày tỏ.

Reuters cho biết, Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ không nên đến Libya. Nhiều nước khác cũng triển khai kế hoạch sơ tán công dân khỏi nơi đây. Tuyên bố chung của Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc họp vào cuối ngày 21-2 kêu gọi nhà chức trách đất nước Bắc Phi này kiềm chế. Thủ tướng Libya Al-Baghdadi Al-Mahmoudi khẳng định Chính phủ của ông thực thi mọi biện pháp để bảo vệ sự thống nhất và ổn định của đất nước.

Bất ổn ở Libya là một trong hàng loạt cuộc nổi dậy trên khắp thế giới Arab kể từ tháng 12 năm ngoái đến nay, lật đổ 2 nhà lãnh đạo nắm quyền lâu năm ở Tunisia và Ai Cập. Sự kiện này cũng đe dọa các triều đại khác, từ Bahrain đến Yemen.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.