.

Quân đội Ai Cập giải tán Quốc hội

.
(ĐNĐT) - Ngày 13-2, quân đội Ai Cập đã giải tán Quốc hội và đình chỉ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình là từng bước chuyển sang một chế độ dân chủ, dân sự sau khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức.

Mô tả ảnh.
Hình ảnh chụp từ video cho thấy các quan chức gỡ bức chân dung Tổng thống bị lật đổ Mubarak tại tòa nhà chính phủ ngày 13-2. Ảnh: AP
Quân đội đã lên nắm quyền khi ông Mubarak từ chức hôm 11-2 và chính phủ lâm thời cũng đã được lập nên nhằm tái lập an ninh vốn đã sụp đổ trong suốt 18 ngày người dân biểu tình lật đổ chế độ.

Những người biểu tình đã thúc ép Hội đồng quân sự cầm quyền ngay lập tức phải xúc tiến quá trình chuyển giao quyền lực bằng cách chỉ định một Hội đồng tổng thống, giải tán Quốc hội và thả những người đang bị bắt.

Trong một thông cáo mới nhất, Hội đồng tối cao nói rằng, hội đồng này sẽ điều hành đất nước trong vòng 6 tháng, hoặc cho đến khi có thể tổ chức cuộc bầu cử tổng thống hoặc bầu cử quốc hội. Hiện nay, hội đồng đang lập nên một ủy ban để sửa đổi hiến pháp và định ra các quy tắc để trưng cầu dân ý nhằm thông qua các sửa đổi đó.

Cả Hạ viện lẫn Thượng viện của Quốc hội đang bị giải tán. Cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 và 12 vừa qua đã bị đảng cầm quyền gian lận trắng trợn, và thực tế đã đẩy các đại diện đối lập ra ngoài.

Nội các lâm thời, do ông Mubarak chỉ định ngay sau khi cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra hôm 25-1,sẽ tại vị cho đến khi một nội các mới được thành lập. Hội đồng quân sự cầm quyền nhắc lại rằng hội đồng này sẽ tuân thủ tất cả các định chế quốc tế của Ai Cập đã được thỏa thuận dưới thời Tổng thống Mubarak mà quan trọng nhất là thỏa thuận hòa bình với Israel.

Chính phủ lâm thời đã tổ chức cuộc họp đầu tiên kể từ khi ông Mubarak từ chức. Sau cuộc họp, Thủ tướng Ahmed Shafiq phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: “Mối quan ngại của chúng tôi trong nội các giờ đây là vấn đề an ninh, là đem lại an ninh cho người dân Ai Cập”.

Cũng trong ngày 13-2, lực lượng cảnh sát vốn bị người dân ghét bỏ vì bạo ngược và tham nhũng dưới thời  Tổng thống Mubarak, đã biểu tình qua quảng trường Tahrir đến Bộ Nội vụ, bộ quản lý họ để yêu cầu được trả lương và điều kiện làm việc tốt hơn.
 
Quang Hiển
;
.
.
.
.
.