Các lãnh đạo thế giới đã chỉ trích việc nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi mạnh tay với cuộc nổi dậy đang gây xáo trộn và chia rẽ đất nước, nhưng lại ít hành động ngăn chặn sự đổ máu trong chuỗi biến động chính trị ở thế giới Arab.
Lần đầu tiên nhận định trước công chúng về bất ổn ở Libya, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi các vụ tấn công ở quốc gia Bắc Phi này khiến hàng trăm người thiệt mạng trong 10 ngày là “sự tàn bạo” và “không thể chấp nhận được”. Sự kiện ở Libya cũng đẩy giá dầu tăng cao, đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 23-2 (sáng 24-2, giờ Việt Nam) tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói rằng, Mỹ đang xem xét các hành động đơn phương và song phương nhằm chuyển một thông điệp đến Chính phủ cũng như người dân Libya.
CNN dẫn lời ông Obama cho biết, Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ đến Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 28-2 tới để tham dự cuộc họp với Hội đồng Nhân quyền và cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc này sẽ bàn thảo về một giải pháp cho Libya. Người đứng đầu Nhà Trắng còn nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu với Chính phủ của ông là phải bảo vệ công dân Mỹ ở Libya. Bộ Ngoại giao Mỹ đang nỗ lực trợ giúp người dân và các thành viên gia đình rời khỏi Tripoli. Ông Obama cũng kêu gọi tất cả người Mỹ ngay lập tức rời Libya.
Pháp và Đức cũng thúc giục Liên minh châu Âu (EU) xem xét các biện pháp trừng phạt Libya. Một số Chính phủ khác, trong đó có Italia, cảnh báo về các vấn đề kinh tế nếu việc cung cấp dầu khí bị gián đoạn. Tuy nhiên, trao đổi với Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Amr Musa, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ quan điểm Mátxcơva không chấp nhận bên ngoài gây sức ép lên Trung Đông và Bắc Phi.
Hãng Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Italia Franco Frattini cho hay, khoảng 1.000 người thiệt mạng ở Libya trong những ngày qua. Song, vẫn chưa có báo cáo xác nhận việc lực lượng quân đội và lính đánh thuê châu Phi đã xả súng vào những người biểu tình. Khu vực phía Đông vốn có trữ lượng dầu lớn hiện tụt khỏi sự kiểm soát của ông Gaddafi. Hàng ngàn người nước ngoài, từ bác sĩ đến các nhà thầu khoán dầu, đã rời Libya thông qua các cảng và biên giới. Tại các thành phố như Benghazi và Tobruk, quân đội, cảnh sát hoặc rút lui, hoặc tham gia vào các nhóm đối lập.
Cũng trong ngày 24-2, trong cuộc họp khẩn cấp với các cố vấn kinh tế và ngoại giao, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã chỉ đạo Chính phủ của ông giám sát chặt chẽ tình hình bất ổn chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi, đồng thời tìm giải pháp giảm thiểu những tác động của hiệu ứng domino này. Ông Lee Myung-bak nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ người dân và lao động Hàn Quốc làm việc cho các công ty tại Trung Đông cũng như Bắc Phi.
Với 1.398 người Hàn Quốc và hàng chục công ty xây dựng của đất nước châu Á này đang hiện diện ở Libya càng làm dấy lên những quan ngại sâu sắc. Tổng thống Lee Myung-bak còn yêu cầu kiểm tra về tác động của giá dầu đối với kinh tế trong nước và vạch ra những biện pháp để giảm sự lãng phí trong sử dụng năng lượng bởi Trung Đông chiếm đến 80% lượng dầu nhập khẩu của Hàn Quốc. Năm 2010, Seoul nhập 872 triệu thùng dầu thô và trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 5 trên thế giới.
PHÚC NGUYÊN