.
Thế giới tuần qua

“Chảo lửa” Bắc Phi

.
Cuối cùng Libya cũng không tránh khỏi sự trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Song, ngoài việc cấm vận vũ khí đối với Libya, cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản của Tổng thống Muammar Gaddafi cùng 5 người con và các cộng sự khác của ông, cơ quan quyền lực của LHQ chưa có biện pháp gì để bảo đảm lửa sẽ không còn đỏ ở đất nước Bắc Phi này.

Mô tả ảnh.
Nhiều người dân Libya cũng rời khỏi thành phố bạo lực Benghazi để sang Tunisia.   Ảnh: NYT
 
Nghị quyết trừng phạt đã được toàn bộ 15 thành viên HĐBA thông qua. Theo đó, LHQ cấm mọi hoạt động bán vũ khí cho Libya, cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản của 22 người, trong đó có nhà lãnh đạo Gaddafi, các con và những thành viên khác trong gia đình ông cùng các quan chức quốc phòng và tình báo hàng đầu. Nghị quyết còn yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở Hà Lan xem xét và có thể truy tố những người phải chịu trách nhiệm về việc 1.000 người biểu tình thiệt mạng ở Libya trong 10 ngày diễn ra bạo lực. Con số 1.000 người chết, hơn 38.000 người đã rời khỏi Libya đánh dấu đất nước Bắc Phi này đang là “chảo lửa” và “mở cửa cho một cuộc nội chiến”, như lời Seif al-Islam Gaddafi - con trai của ông Gaddafi - cảnh báo trên đài truyền hình Al-Arabiya trước đó. Tripoli, với 1/3 dân số sinh sống trong tổng số 6,5 triệu người của Libya, trở thành tâm điểm của khủng hoảng. Nhiều thành phố ở phía đông đã rơi vào tay lực lượng biểu tình. Thậm chí, phe chống Chính phủ còn tuyên bố đã kiểm soát được 80% đất nước.

Mỹ cũng đã đưa nhân viên cuối cùng rời Libya, dấu hiệu cho thấy Washington có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Tripoli. Hàng nghìn lao động nước ngoài vẫn tiếp tục rời Libya bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Các Chính phủ châu Á lo lắng và đang nỗ lực đưa tất cả lao động tại Libya trở về nhà. Ấn Độ có 18.000 người, trong đó 3.000 người làm việc cho các công ty ô-tô, xây dựng và bệnh viện ở thành phố phía tây Benghazi. Với Bangladesh, con số này là 60.000 người.
 
Ngoài 700 người đã trở về nước, Trung Quốc tiếp tục đưa được 16.000 công dân từ Libya sang Hy Lạp, Tunisia, Ai Cập, Malta và chờ máy bay để sớm đưa những người này về đoàn tụ cùng gia đình. Các máy bay quân sự của Anh đã đáp xuống sa mạc Libya để sơ tán 150 công nhân. Chính phủ Anh còn đóng cửa Đại sứ quán ở thủ đô Tripoli và sơ tán toàn bộ nhân viên nơi đây. Canada và Pháp cũng đóng cửa các phái bộ ngoại giao và đưa người của mình ra khỏi Libya. Hàng trăm cố vấn quân sự của Mỹ, Anh và Pháp đã hiện diện ở Cyrenaica - tỉnh ly khai phía Đông Libya. Đây là lần đầu tiên Mỹ và châu Âu dùng quân sự để can thiệp vào phong trào nổi loạn đang làm cả khu vực Trung Đông chao đảo kể từ bùng nổ cuộc cách mạng hoa nhài của Tunisia vào đầu tháng 11-2010.

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trực tiếp kêu gọi ông Gaddafi từ chức ngay lập tức và nói rằng, nhà lãnh đạo của Libya đã mất quyền lực sau khi tấn công vào dòng người biểu tình. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mustafa Abdel Jalil, người đã rời bỏ cương vị hồi tuần trước, tuyên bố sẽ thành lập Chính phủ chuyển tiếp nhằm thay thế bộ máy dưới thời ông Gaddafi, mở đường cho các cuộc bầu cử công bằng và tự do trong 3 tháng tới. Đáng lo ngại là “chảo lửa” Trung Đông và Bắc Phi chưa được dập tắt thì cách mạng hoa nhài đang bắt đầu lan sang Nicaragua, quốc gia thuộc khu vực Trung Mỹ.

Sáng 27-2, sân bay Cairo (Ai Cập) đón thêm 382 lao động Việt Nam từ Libya, qua cửa khẩu Salloum của Ai Cập. Những lao động này được Công ty Vinamex đưa sang Libya làm việc cho doanh nghiệp ô-tô Hyundai AMCO của Hàn Quốc.

TTXVN dẫn lời Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cho biết, lãnh đạo Công ty Hyundai AMCO cam kết nhanh chóng mua vé đưa những lao động này về nước, đồng thời bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu trong thời gian quá cảnh. Tính đến nay, 709 lao động Việt Nam ở Libya đã đến sân bay quốc tế Cairo an toàn qua cửa khẩu Salloum. Trong đó, 185 lao động của các Công ty SONA và Won (Hàn Quốc) đã lên máy bay về nước. Những người còn lại sẽ tiếp tục về Việt Nam trong những ngày tới. Cũng theo TTXVN, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đang phối hợp với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp sử dụng lao động hoàn tất các thủ tục đưa công dân Việt Nam về nước.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.