Phản ứng đầu tiên của những người biểu tình là dọn dẹp Quảng trường Tahrir, trung tâm của phong trào chống Chính phủ ở Cairo. Quân đội cũng nỗ lực giải tán biểu tình. Nhưng nhiều người nói rằng họ vẫn ở lại nơi đây cho đến khi Hội đồng quân sự thực hiện các luật dân sự và dân chủ như đã hứa.
Cho đến nay, những người biểu tình vẫn bày tỏ đoàn kết vì tương lai của đất nước 85 triệu dân. Nhưng theo các nhà phân tích, sau thời Mubarak, sự đoàn kết này có tiếp tục được duy trì hay không khi Ai Cập đứng trước những ngã rẽ, mà lối đi nào cũng không ít khó khăn và thách thức. Khả năng sự tranh giành của các đảng phái chính trị, khả năng kịch bản Mubarak sẽ tái diễn với một nhà độc tài mới… hoàn toàn có thể diễn ra. Tương lai của Ai Cập cũng có thể được định hình bằng 3 quyền lực: quân đội, lực lượng biểu tình và những người ủng hộ Mubarak vẫn đang nắm giữ các vị trí tại các cơ quan Chính phủ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh cam kết của giới cầm quyền quân sự Ai Cập về cuộc chuyển giao hòa bình quyền lực cho một Chính phủ dân sự. “Người dân Ai Cập đã cất lên tiếng nói”, nhận định của ông Obama hàm ý ca ngợi chiến thắng lịch sử của nhân dân quốc gia Trung Đông này. 18 ngày bất ổn ở Ai Cập, Washington đã thể hiện thái độ lưỡng lự, một phần không muốn mất đi đồng minh Arab này, một phần không thể phớt lờ yêu cầu của người dân chống lại Mubarak.
Từ anh hùng sau 30 năm trở thành tội đồ, có lẽ chính ông Mubarak cũng không ngờ mình lại có kết cục như thế. Vị tướng thăng tiến nhanh chóng trên đường binh nghiệp này từng là niềm tự hào, là người hùng trong lòng dân Ai Cập khi giành thắng lợi trong cuộc chiến với Israel vào năm 1973 cũng như nâng tầm vóc và vị thế đất nước trong khu vực Trung Đông cũng như trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà ông nắm giữ cương vị lãnh đạo đến 30 năm, vượt qua 3 lần trưng cầu dân ý và một cuộc tổng tuyển cử. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Mỹ lại lo lắng trong những ngày chiếc ghế quyền lực của ông Mubarak lung lay.
Với không ít người Ai Cập, cuộc cách mạng mà họ vừa trải qua chưa kết thúc, mà mới bắt đầu. Bởi lẽ, quá nhiều vấn đề vốn là sản phẩm của hệ thống tham nhũng, trì trệ từ thời Tổng thống Mubarak đã ăn sâu “thâm căn cố đế” trong xã hội Ai Cập đang cần được giải quyết triệt để.
Sau Ai Cập là Algeria và Yemen? Việc Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức và Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben A phải lưu vong vào tháng trước làm thế giới Arab bùng nổ. Cuộc đảo chính ở Ai Cập được cho là hệ quả của sự kiện Tunisia. Giới quan sát lo ngại phản ứng domino khi phe đối lập Algeria lấy “cảm hứng” từ những gì diễn ra ở Ai Cập để làm cuộc cách mạng tương tự. Hàng ngàn cảnh sát chống bạo động đã nỗ lực giải tán đám đông ở trung tâm thủ đô Algiers của Algeria vào cuối tuần qua và ngăn chặn phe đối lập khuấy động biểu tình theo kiểu Ai Cập, đòi tự do, dân chủ, việc làm cũng như thay đổi Chính phủ. Reuters cho biết, các nhóm nhỏ biểu tình đã bày tỏ sự tức giận với Tổng thống Abdelaziz Bouteflika và yêu cầu nhà lãnh đạo này từ chức. Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình Yemen cũng kêu gọi một cuộc cách mạng tương tự ở Ai Cập. |