(ĐNĐT) - Một vụ cháy đã xảy ra tại lò phản ứng thứ tư tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, không lâu sau khi lò phản ứng thứ ba phát nổ. Mức độ phóng xạ rò rỉ ra ngoài rất cao, có thể đe dọa đến sức khỏe của người dân.
Khói bốc lên sau bụ nổ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ngày 14-3. Ảnh: Reuters |
Sáng 15-3, lò số 4 Nhà máy điện Fukushima đã bốc cháy dữ dội. Sau trận động đất, bộ phận làm mát ở lò 4 bị hỏng giống với các lò còn lại và các thanh nhiên liệu nóng chảy phát sinh khí hydro, tăng áp lực lên thành lò và phát sinh vụ cháy.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yukio Edano cho biết, lò phản ứng số 4 đã cháy và có thêm phóng xạ đã rò rỉ ra ngoài.
Trước đó, lúc 6h10 (giờ địa phương), một tiếng nổ đã phát ra từ lò phản ứng số 2 Nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima, đông bắc Nhật Bản. Thủ tướng Naoto Kan cho biết, mức phóng xạ tại nhà máy đã “tăng lên đáng kể” và có nguy cơ cao các chất phóng xạ rò rỉ ra ngoài.
Ông Kan cho biết thêm, những người còn lại trong vòng bán kính 20km chung quanh nhà máy đã phải rời khỏi khu vực, và những người sống giữa bán kính 20 đến 30 km chung quanh nhà máy phải ở trong nhà. “Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để ngăn chặn rò rỉ lan rộng. Tôi biết mọi người rất lo lắng nhưng tôi khuyên các bạn hãy bình tĩnh”, ông Kan phát biểu trên truyền hình.
Mức phóng xạ xung quanh nhà máy Fukushima trong một giờ phơi nhiễm đã tăng lên 8 lần mức cho phép phơi nhiễm trong 1 năm, TEPCO cho biết.
Vào lúc 8 giờ 31 giờ địa phương, mức phóng xạ tăng từ 1.941 lên đến 8.217 microsievert một giờ so với 40 phút trước đó, TEPCO cho biết. Giới hạn được phép trong vòng một năm là 1.000 microsievert.
Đại sứ quán Pháp tại thủ đô Tokyo đưa ra khuyến cáo rằng một làn gió có thể đưa phóng xạ ở mức thấp đến Tokyo, nằm cách đó 240 km về phía nam, trong vòng 10 phút.
Công ty vận hành lò phản ứng đã yêu cầu quân đội Mỹ giúp đỡ. Trong khi đó, hãng tin Kyodo cho hay, mức phóng xạ đã gấp 9 lần bình thường đã nhanh chóng được phát hiện tại Kanagawa, gần Tokyo.
Như vậy, đến nay trong số 6 lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đã có 3 lò phản ứng đã phát nổ (ngày 12-3 nổ lò phản ứng số 1, ngày 14-3 nổ lò phản ứng số 3, ngày 15-3 nổ lò phản ứng số 2) và lò phản ứng số 4 xảy ra hỏa hạn.
Các vụ nổ trên đã làm 15 người bị thương, 190 người bị nhiễm phóng xạ, càng gia tăng những thách thức to lớn mà Chính phủ Nhật Bản phải đối mặt trong việc khắc phục hậu quả động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân.
Gần 6.000 người chết và mất tích
Theo hãng tin Kyodo, số người chết hoặc mất tích do thảm họa động đất, sóng thần tính đến sáng 15-3 đã lên đến 5.900 người sau khi 1.000 thi thể được tìm thấy dọc bờ biển Miyagi hôm 14-3.
Theo Cơ quan quản lý Du lịch Nhật Bản, trong số khoảng 4.900 du khách đang có mặt ở Nhật Bản khi động đất, sóng thần xảy ra, khoảng 1.000 người không thể liên lạc, tính đến 5h30 sáng nay.
Trong số những người nước ngoài đó, đến nay đã xác định trường hợp thiệt mạng đầu tiên thuộc về một người có quốc tịch Hàn Quốc, trong khi khoảng 100 sinh viên Trung Quốc ở Ishinomaki, Miyagi không thể liên lạc được.