.

Chiến sự Libya vẫn ác liệt

.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại tiếp tục nhóm họp để thúc đẩy hoạt động của liên quân tại Libya.

 

Mô tả ảnh.
Người Mỹ biểu tình tại San Francisco phản đối cuộc chiến ở Libya. Ảnh: AP

 

Tư lệnh hàng đầu của NATO, đô đốc James Stavridis, ngày 24-3 đã gặp gỡ các lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để bàn thảo về cơ cấu chỉ huy của liên minh này đối với vùng cấm bay tại Libya.

Ngày thứ 6 không kích

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cảnh báo: Hoạt động quân sự ở Libya phải bảo vệ thường dân, thực thi lệnh cấm vận vũ khí và tạo vùng cấm bay, đồng thời cung cấp viện trợ nhân đạo. Điều này cũng sẽ bao gồm việc không có thêm bất kỳ cuộc không kích nào chống lại lực lượng mặt đất của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Hãng Reuters cho biết, ông Davutoglu đã kêu gọi Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton, Ngoại trưởng Anh William Hague cùng xem xét quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về Libya.

Trong cuộc tranh cãi trước đó, NATO không đạt được thỏa thuận về vai trò tại Libya. Theo đó, liên minh này sẽ không đảm trách vai trò lãnh đạo chính trị của liên quân tại Libya, như Mỹ mong muốn, mà nhận nhiệm vụ lên kế hoạch, tổ chức hoạt động nhằm áp đặt vùng cấm bay theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cảnh báo trên, cuộc không kích Libya của liên quân bước sang ngày thứ 6. Bộ Quốc phòng Anh ngày 24-3 cho hay, một tàu ngầm nước này đã bắn loạt tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào các hệ thống phòng không của Libya. Trong đêm trước đó, nhiều tiếng nổ lớn đã xé toang bầu trời Libya. Những tiếng nổ cũng vang lên ở khu vực phía đông Tripoli vào sáng sớm 24-3. Một quan chức Libya cho hay, liên quân đã tấn công vào Tajura, ngoại ô thủ đô Tripoli - nơi đóng các căn cứ quân sự quan trọng nhất của Chính phủ Tripoli. Nơi đây từng hứng chịu các trận không kích từ liên quân trong ngày đầu tiên của chiến dịch.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe nhận định: Các cuộc không kích chống Libya thành công và nên tiếp tục. Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị Liên minh châu Âu (EU) và NATO, ông Alain Juppe nói rằng, hoạt động quân sự quốc tế chống nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi có thể diễn ra trong một vài ngày hoặc một vài tuần, chứ không kéo dài trong nhiều tháng. Trong khi đó, cựu đại sứ Nga tại Libya Vladimir Chamov nói rằng, ông Gaddafi có thể chống cự được với lực lượng liên quân trong một vài tháng và sẽ không từ chức.

Các quan chức Mỹ, châu Âu, Arab và châu Phi được mời đến thủ đô London của Anh vào tuần đến để đối thoại về vấn đề Libya. Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra vào ngày 25 và 26-3 tại Brussels (Bỉ).

Các nước Arab đứng bên lề

Song, trong lúc 28 thành viên của NATO chia sẻ về cuộc chiến Libya, các nước Arab vốn từng thúc giục Liên Hợp Quốc áp đặt vùng cấm bay lại bỏ qua hành động tham chiến này. Ngoại trừ quốc gia Vịnh Persia nhỏ bé Qatar, không có thành viên nào khác trong Liên đoàn Arab (AL) công khai gia nhập vào liên quân. Qatar dự kiến sẽ bắt đầu tuần tra bầu trời Libya vào cuối tuần này.

Ngày 13-2, AL kêu gọi vùng cấm bay đối với Libya và nói rằng, Chính phủ của ông Gaddafi đã “mất chủ quyền”. Nhưng cũng từ đó, Tổng Thư ký AL Amr Moussa lại thay đổi quan điểm. Theo ông, cuộc chiến trên bầu trời Libya đã gây thương vong cho thường dân và trái với những gì mà AL mong muốn.

Trong lúc đó, Trung Quốc một lần nữa kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức và giải quyết vấn đề theo hướng hòa bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, khẳng định Bắc Kinh ủng hộ các nỗ lực ngoại giao. Duma Quốc gia Nga cũng thông qua Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Libya với tỷ lệ ủng hộ 350/32. 

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.