.

Hơn 1 triệu người cần viện trợ

.
Hơn 1 triệu công nhân nước ngoài và những người khác bị mắc kẹt lại tại Libya đang cần được viện trợ khẩn cấp khi bất ổn vẫn tiếp diễn ở đất nước Bắc Phi này. Các quan chức Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa ra cảnh báo khi tìm kiếm 160 triệu USD để đối phó với khủng hoảng của Libya.

Mô tả ảnh.
Hàng trăm công nhân nhập cư châu Phi, chủ yếu là người Ghana và Nigeria, đang chờ đợi gần sân bay Tripoli để về nhà.   Ảnh: NYT
 
Theo LHQ, con số 160 triệu USD chỉ giải quyết vấn đề trong 3 tháng tới và khủng hoảng do cuộc nổi dậy chống Chính phủ của Tổng thống Muammar Gaddafi có thể kéo dài hơn thế. Hãng AP dẫn lời người đứng đầu cơ quan điều phối khẩn cấp và nhân đạo của LHQ, Valerie Amos, cho hay việc kêu gọi 160 triệu USD dựa vào kế hoạch bảo vệ 400.000 người đang rời khỏi Libya và 600.000 người khác ở đất nước này cần được viện trợ nhân đạo. Theo đó, khoản tiền sẽ được trang trải vào lều bạt, an ninh lương thực, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, nước và vệ sinh môi trường. 

Từ ngày 20-2 đến nay, khoảng 213.000 công nhân nước ngoài đã sơ tán đến các biên giới của Libya với Tunisia, Ai Cập, Niger và hiện nay là Algeria. Bà Amos và các quan chức nhập cư quốc tế cho rằng, hàng trăm ngàn người khác cũng sẽ đổ về những nơi này trong 3 tháng tới. Trong khi đó, theo Antonio Guterres - Cao ủy về người tị nạn của LHQ, kể từ khi khủng hoảng xảy ra, khoảng 120.000 người đã từ Libya vượt biên giới vào Tunisia. Những người còn lại đến Ai Cập, vài ngàn người khác đến Niger và Algeria. Tổ chức Nhập cư còn nói rằng, họ đang tìm ít nhất 49,2 triệu USD để lo lương thực, nước, lều và các thiết bị y tế cho 65.000 công nhân nhập cư. Phát ngôn viên Jemini Pandya cho hay, có khoảng 1,5 triệu công nhân nhập cư ở bên trong Libya khi giao tranh giữa quân Chính phủ và lực lượng nổi dậy bắt đầu.

Ngày 8-3, theo AP, máy bay chiến đấu của Libya đã tiến hành 2 vụ không kích gần các vị trí của quân nổi dậy tại cảng dầu Ras Lanouf, nhằm ngăn chặn động thái tiến về thủ đô Tripoli. Một nhân chứng khác cho biết, lực lượng trung thành với ông Gaddafi đã chiếm lại được Zawiya, thành phố gần Tripoli nhất vốn trước đó đã rơi vào tay quân nổi dậy.

Chính phủ của ông Gaddafi cáo buộc phương Tây đang âm mưu chia rẽ Libya trong khi Mỹ tăng áp lực nhằm hỗ trợ lực lượng đối lập. Tại Tripoli, Ngoại trưởng Libya Mussa Kussa cho rằng, phương Tây đang nỗ lực chia rẽ quốc gia này bằng việc bí mật liên lạc với các thủ lĩnh quân nổi dậy. Anh và Pháp hiện tìm kiếm việc thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Libya và việc này dự kiến sẽ gây tranh cãi trong cuộc họp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng NATO vào ngày 10-3 tới. Các nước Arab ủng hộ ý tưởng này. Theo Ngoại trưởng Anh William Hague, London và Paris đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để hướng đến giải pháp ở khu vực cấm bay. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang có chuyến công du 2 ngày đến Afghanistan cảnh báo: Bất kỳ hành động nào ở Libya có thể là kết quả trừng phạt của quốc tế.

Nga - thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nắm quyền phủ quyết - vẫn giữ quan điểm phản đối sự can thiệp của nước ngoài. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định: Người dân Libya phải tự giải quyết các vấn đề của mình.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.