.

Lại cháy ở lò phản ứng số 4, hai công nhân mất tích

.
(ĐNĐT) - Cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ của Nhật Bản và thế giới kể từ vụ Chernobyl đã tăng lên cấp độ mới ngày thứ tư 16-3, khi một vụ hỏa hoạn nữa lại xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và các kỹ sư đã lo lắng về khả năng nổ hai lò phản ứng khác. Thêm nữa, 2 công nhân đã mất tích sau vụ nổ sáng nay.

Mô tả ảnh.
Xe cộ đi qua khu vực bị động đất, sóng thần tàn phá ở Minamisanriku, đông bắc Nhật Bản ngày 15-3. Ảnh: AP
Hỏa hoạn đã xảy ra vào sáng 16-3 tại lò phản ứng số 4 mà theo Công ty Điện lực Tokyo mô tả là giống y như vụ hỏa hoạn trước đó 24 giờ. Hỏa hoạn phát ra bên trong bên ngoài bồn chứa lò phản ứng, phát ngôn viên của TEPCO, Hajimi Motujuku cho biết.

Vụ nổ trước đó và đám cháy tại lò phản ứng số 4 đã làm thủng hai lỗ tại tòa nhà bên ngoài lò phản ứng, phát ra phóng xạ từ nhiên liệu đã sự dụng quá nóng trong bể chứa.

Hai công nhân bên trong tổ máy số 4 đang mất tích sau vụ cháy, Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật cho biết. Người ta vẫn chưa biết về tình hình của lò phản ứng hạt nhân và bể chứa bên trong tòa nhà đó.

Các quan chức hiện đang lo lắng về các lò số 5 và 6. Công ty điện lực đang xem xét đưa nhân viên ra khỏi các tòa nhà của tổ máy số 5 và 6 để ngăn ngừa khả năng tích tụ hydro. Chính việc tích tụ hydro tại lò phản ứng số 1, 2 và 3 đã dẫn đến các vụ nổ tại nhà máy điện Daiichi trong những ngày gân đây.

Lò phản ứng số 5 và 6 đã được nạp nhiên liệu hạt nhân nhưng không sản xuất khi động đất và sóng thần xảy ra hôm thứ Sáu tuần trước. Hai lò được xem là ổn định nhưng ngày hôm qua, một quan chức hàng đầu Nhật Bản cho biết, nhiệt độ trong 2 lò đã tăng nhẹ.
 
Phóng xạ giảm
 
Trước đó, tối ngày 15-3, Chính phủ Nhật Bản cho biết mức phóng xạ đã giảm tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, sau khi đám cháy tại nhà máy đã bị dập tắt. Các báo cáo thời tiết cho thấy, gió đang đẩy phóng xạ từ nhà máy ra biển, trên vùng Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chính phủ đã lệnh cho người dân sống trong vòng bán kính 20 km phải rời khỏi khu vực đó.
 
Người dân sống trong bán kính từ 20 đến 30 km được lệnh một là ở trong nhà, hai là phải rời khỏi khu vực đó. Nhật cũng đã thông báo vùng cấm bay 30 km chung quanh nhà máy để ngăn ngừa các máy bay làm phóng xạ lan rộng.

Tiếp sau sự việc có thể là một hệ thống bồn chứa bị phá vỡ tại một trong các lò phản ứng nhà máy điện Fukushima Daiichi, mức phóng xạ tại đây được báo là đang giảm.

Điều gì đã làm thoát hơi trong buồng giảm áp của lò phản ứng số 2 vẫn chưa rõ ràng. Các báo cáo cho rằng buồng giảm áp đã nứt, cho phép hơi nước có chứa chất phóng xạ thoát ra.
 
Gần 3.400 người chết, 6.800 người mất tích
 
Cảnh sát quốc gia Nhật cho biết, 3.373 người được khẳng định đã chết tại 12 tỉnh, trong khi đó 6.746 người còn đang mất tích. Với nhiều thi thể không nhận dạng đã được tìm thấy ở các vùng duyên hải bị thảm họa tấn công, số người chết cuối cùng sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Đây là lần đầu tiên kể từ vụ động đất Great Kanto năm 1923, số người chết và mất liên lạc do thảm họa tự nhiên vượt quá con số 10.000.

Trong khi đó, khoảng 25.000 người đã được cứu sống, một bà cụ 70 tuổi được đưa ra từ đống đổ nát tại một ngôi nhà ở Otsuchi, tỉnh Iwate vào ngày 15-3, sau 92 giờ thảm họa xảy ra. Số phận của khoảng 8.000 người dân Otsuchi, một nửa dân số toàn thị trấn vẫn còn biệt vô âm tín.

Trong số khoảng 10.000 người tại thị trấn Minamisanriku, tỉnh Miyagi đã mất liên lạc, giờ đây khoảng 2.000 người được xác nhận còn sống.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei đã giảm hơn 1.000 điểm lúc đóng cửa, còn 8.605,15 điểm. “Tất cả bắt đầu với lo ngại an toàn của nhà máy điện hạt nhân”, một quan chức Nhật nói.

Quang Hiển (Theo Kyodo, BBC, MSNBC)
;
.
.
.
.
.