Cả nước Nhật đang tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo. Thủ tướng Naoto Kan nói rằng, đất nước này đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ II.
Tìm kiếm thi thể nạn nhân giữa đống đổ nát. Ảnh: Reuters |
* Nguy cơ vụ nổ thứ ba
|
Lò phản ứng số 3 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, cách thủ đô Tokyo 240km về phía Bắc, đã phát nổ vào sáng 14-3. Đây là vụ nổ thứ hai chỉ trong gần 4 ngày sau khi xảy ra siêu động đất 8,9 độ Richter kèm theo sóng thần gây chấn động Nhật Bản.
Tại khu vực lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima Daiichi, cột khói bốc cao nghi ngút. Theo hãng AP, ít nhất 11 công nhân bị thương nhưng chưa rõ có phóng xạ rò rỉ trong vụ nổ mới nhất này hay không. Nỗi lo ngại lớn nhất lúc này là khả năng rò rỉ phóng xạ từ nhà máy Fukushima Daiichi mặc dù các kỹ sư nơi đây đang chạy đua để ngăn chặn thảm họa hạt nhân ở cả 3 lò phản ứng (số 1, số 2 và số 3). Báo New York Times dẫn lời các chuyên gia cảnh báo phóng xạ rò rỉ có thể kéo dài một vài tuần hoặc thậm chí một vài tháng. Fukushima Daiichi và Fukushima Daiini - một trạm năng lượng khác, cách nhau khoảng 10 dặm, đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết, thùng chứa lò phản ứng không bị hư hại và không có nguy cơ rò rỉ phóng xạ lớn. Ông Edano nói rằng, nhà máy vẫn tiếp tục bơm nước biển vào làm mát các lò phản ứng. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ nổ thứ hai, Tập đoàn điện lực Tokyo (TEPCO) cảnh báo đơn vị số 2 của nhà máy Fukushima Daiichi cũng mất khả năng làm lạnh, làm dấy lên quan ngại về một vụ nổ mới. Theo ông Edano, chính vụ nổ khí hydro tại lò phản ứng số 3 đã khiến hệ thống làm lạnh của lò phản ứng số 2 ngừng hoạt động.
Cảnh sát xác định có 1.647 người chết, chưa tính 2.000 thi thể trên bờ biển Miyagi được tìm thấy vào sáng 14-3. Con số cuối cùng sẽ tăng hơn rất nhiều, thậm chí được cảnh báo lên đến hơn 10.000 người đối với riêng tỉnh Miyagi. Hàng ngàn nạn nhân khác vẫn mất tích. Ít nhất 22 người đang điều trị vì nhiễm phóng xạ. 80.000 người ở khu vực nhà máy Fukushima Daiichi được sơ tán. Trong khi đó, ở vùng đông bắc, hơn 450.000 người bị ảnh hưởng động đất và sóng thần cũng đã phải sơ tán.
Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật cho hay, khoảng 2 triệu hộ gia đình ở miền bắc trải qua đêm thứ ba không có điện, 1,4 triệu người không có nước. Ba thành phố Minamisanriku và Kesennuma thuộc tỉnh Miyagi, Rikuzentakata thuộc tỉnh Iwate gần như bị phá hủy hoàn toàn với những cảnh tiêu điều, đổ nát. Thủ tướng Kan ban đầu thông báo sẽ phải cắt điện luân phiên kể từ ngày 14-3. Song sau đó, Chính phủ cho biết hoãn kế hoạch cắt điện và điều này có thể không cần thiết nếu các hộ gia đình đều tiết kiệm năng lượng.
Trong lúc cả nước Nhật chưa hết choáng váng trước những thảm họa liên tiếp, Cơ quan dự báo khí tượng Nhật Bản lại cảnh báo trận động đất mạnh 7 độ Richter có thể sẽ xảy ra trong 3 ngày tới.
Tắc nghẽn ở nhà ga Tokyo vào ngày 14-3 khi các dịch vụ ngừng hoạt động. Ảnh: AP |
* Thiệt hại kinh tế khổng lồ
Theo Reuters, thảm họa nghiêm trọng nhất tại Nhật Bản kể từ vụ Chernobyl ở Ukraine vào năm 1986 khiến Chính phủ Tokyo bị chỉ trích về việc chuẩn bị không tốt khi thường xuyên hứng chịu động đất, đồng thời đe dọa đến ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của đất nước châu Á này. Tuy nhiên, ngày 14-3, Giám đốc điều hành Tập đoàn GE Jeff Immelt cho rằng, còn quá sớm để biết khủng hoảng năng lượng hạt nhân ở Nhật Bản tác động như thế nào đến ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân.
Kiểm tra khả năng nhiễm phóng xạ ở người dân tại thị trấn Kawamata, tỉnh Fukushima. Ảnh: EPA |
Một số nhà phân tích nhận định: Thiệt hại do thảm họa lần này rất khủng khiếp. Riêng khu vực bị ảnh hưởng động đất, sóng thần và hạt nhân, thiệt hại ước tính từ 171-183 tỷ USD. Theo Reuters, con số này có thể khiến nước Nhật trở lại thời kỳ suy thoái kinh tế. Nền kinh tế thứ ba thế giới vốn đang nợ chồng chất và Chính phủ của ông Kan lao đao với dự luật ngân sách. Có đánh giá cho rằng, thảm họa này tương đương với vụ động đất ở Kobe vào năm 1995 khiến 6.000 người chết và thiệt hại kinh tế 100 tỷ USD.
Trận siêu động đất cũng đã khiến nhiều công ty ngừng sản xuất. Ngày 14-3, cổ phần ở một số công ty lớn nhất nước sụt giảm, như tập đoàn Toyota giảm 7,5%. Chứng khoán của Nhật giảm hơn 6% - mức giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính vào năm 2008, và tỷ giá đồng yên cũng giảm so với đồng USD. AP cho biết, Ngân hàng trung ương Nhật Bản quyết định bơm 184 tỷ USD vào thị trường tài chính để nới lỏng chính sách tiền tệ. Với động thái này, Ngân hàng trung ương Nhật Bản hy vọng các ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay tiền và tăng khả năng đáp ứng nhu cầu cho quỹ sau động đất.
* Thế giới sẻ chia
Theo TTXVN, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ ban đầu cho các nạn nhân bị thiên tai tại Nhật Bản thông qua Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản 50.000 USD. Hội còn phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, đồng thời chỉ đạo hệ thống Chữ thập đỏ trong 63 tỉnh, thành toàn quốc của Việt Nam triển khai hệ thống “Tìm kiếm tin tức thân nhân - Đoàn tụ gia đình” nhằm giúp người Việt Nam ở Nhật bị mất liên lạc và các gia đình tại Việt Nam có nhu cầu liên hệ thông tin.
Các nhân viên cứu hộ cùng các đội tìm kiếm của Mỹ đã đến Nhật Bản. Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc cùng 65 quốc gia khác đồng loạt lên tiếng đề nghị hỗ trợ Tokyo. Các nhóm cứu trợ khác như Hội Chữ thập đỏ quốc tế và Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ đã cử các nhân viên đến những khu vực thiệt hại nặng nề nhất, bao gồm: Sendai, Narita, Asahi và Tokyo.
Nga điều một máy bay quân sự, một trực thăng đến hỗ trợ Nhật Bản. Đội cứu trợ của Trung Quốc gồm những nhân viên nhiều kinh nghiệm cũng đã có mặt ở xứ sở hoa anh đào. Chính phủ Bắc Kinh cam kết cung cấp 4,57 triệu USD hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho Nhật Bản.
Không phải thảm họa Chernobyl Các chuyên gia quốc tế mặc dù cảnh báo về nguy hiểm của những vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản nhưng cho rằng, ít khả năng lặp lại vụ Chernobyl xảy ra ở Ukraine vào năm 1986. Theo chuyên gia Murray Jennex ở Đại học bang San Diego của Mỹ, thảm họa này không giống vụ Chernobyl bởi các lò phản ứng đều được xây dựng với tiêu chuẩn cao cùng nhiều biện pháp an toàn nghiêm ngặt hơn. Các quan chức Nhật Bản đã lên tiếng hạ thấp nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của con người. Tuy nhiên, ngày 14-3, Mỹ đã rút tàu sân bay Ronald Reagan cùng các máy bay sau khi phát hiện mức độ nhiễm phóng xạ mức thấp ở ngoài khơi cách khu vực nhà máy Fukushima Daiichi 160km về phía đông bắc. Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và Philippines đều thông báo sẽ bắt đầu kiểm tra hàng nhập khẩu từ Nhật Bản để xác định có bị nhiễm phóng xạ hay không. |