Thủ đô Tripoli và thành phố Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã trở thành những mục tiêu không kích dữ dội của liên quân vào đêm 27-3 và ngày 28-3.
Phát ngôn viên của Chính phủ Libya Moussa Ibrahim cho biết, 3 người dân đã thiệt mạng trong các trận không kích lần đầu tiên của liên quân tại Sirte. Theo người phát ngôn của quân nổi dậy tại Benghazi, thành phố Sirte hiện thuộc quyền kiểm soát của lực lượng này. Tuy nhiên, các nhà báo nước ngoài đang ở bên trong Sirte cho hay, đến sáng 28-3, thành phố vẫn nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ.
Theo AP, ngày 28-3, lực lượng nổi dậy đã tiến gần Sirte và giành lại 2 khu phức hợp dầu quan trọng dọc theo đường cao tốc ven biển. Lực lượng này cam kết sẽ tái khởi động việc xuất khẩu dầu mỏ vốn bị đình trệ, làm giá dầu thô tăng vọt khoảng 105 USD/thùng. Sirte có địa bàn chiến lược khi nằm khoảng giữa khu vực phía đông do quân nổi dậy kiểm soát với khu vực phía tây do Chính phủ ông Gaddafi kiểm soát. Đây vốn là pháo đài hỗ trợ cho nhà lãnh đạo Libya và lực lượng nổi dậy không dễ dàng giành được. Song, nếu Sirte thất thủ sẽ là một chiến thắng quan trọng với quân nổi dậy, đồng thời mở đường để họ tiến đến Tripoli và Misrata.
Hãng AP cũng dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, nước này sẽ đảm nhận việc điều hành sân bay ở Benghazi để thuận lợi vận chuyển viện trợ nhân đạo cho Libya. Song, nhà lãnh đạo của thành viên Hồi giáo duy nhất thuộc NATO không cho biết thời điểm của động thái này.
Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, liên minh quân sự này đã thống nhất tiếp quản hoàn toàn quyền chỉ huy các chiến dịch quân sự tại Libya từ liên quân do Mỹ dẫn đầu, chấm dứt những tranh cãi kéo dài suốt tuần qua. Với quyết định này, NATO sẽ nắm quyền kiểm soát mọi phương diện của chiến dịch. Riêng phía Mỹ bắt đầu giảm hỏa lực trên biển từ các chiến hạm với việc rút ít nhất một trong số 5 tàu chiến và tàu ngầm của hải quân khỏi Địa Trung Hải.
Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói rằng, ông không thể đưa ra thời gian biểu nào về hoạt động quân sự tại Libya. Trả lời phỏng vấn đài ABC, ông Gates tuyên bố Libya không phải là mối đe dọa với Mỹ, cũng không phải là quốc gia quan trọng với siêu cường này. Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết, Liên Hợp Quốc sẽ cử đặc phái viên đến Tripoli trong vài ngày tới để gửi “thông điệp rõ ràng” đến ông Gaddafi. Cả người đứng đầu ngành Quốc phòng lẫn Ngoại giao của Mỹ đều nhấn mạnh mục tiêu của chiến dịch tại quốc gia Bắc Phi là bảo vệ dân thường nhưng cũng bày tỏ hy vọng áp lực quốc tế có thể buộc ông Gaddafi phải từ chức.
Phát biểu của 2 cố vấn hàng đầu của Tổng thống Barack Obama được cho là “dọn đường” cho bài phát biểu của ông vào tối 28-2 (giờ địa phương - sáng 29-3, giờ Việt Nam). Tổng thống Obama vẫn đang chịu sức ép trước làn sóng dư luận chỉ trích về cuộc chiến ở Libya. Ông sẽ phát biểu tại Đại học Quốc phòng quốc gia lý giải về mục đích và vai trò của Washington khi tấn công Libya cũng như chi phí tiêu tốn cho chiến dịch. Một vấn đề khác đang được đặt ra và chờ ông Obama trả lời là việc can thiệp quân sự vào Libya có trở thành kiểu mẫu cho chính sách của Mỹ với thế giới Arab hay không.
VĨNH AN