.

Mỹ, Anh đưa máy bay, tàu chiến áp sát Libya

.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định triển khai tàu chiến và máy bay đến vùng biển Địa Trung Hải, áp sát Libya để phục vụ việc thực hiện lệnh cấm bay trên không phận Libya. Anh cũng đưa máy bay, tàu chiến hỗ trợ Mỹ.

Mô tả ảnh.
Tàu sân bay nguyên tử Enterprise của Mỹ đang tiến về vùng biển Libya (Ảnh: Daily Mail)

Tàu sân bay nguyên tử Enterprise của Mỹ đang làm nhiệm vụ chống hải tặc ở vùng biển Somalia đã vượt kênh đào Suez tiến vào Địa Trung Hải, chở theo 90 máy bay. Tháp tùng còn có tàu đổ bộ Kearsarge mang theo 2.000 thuỷ quân lục chiến cùng máy bay trực thăng. Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton tuyên bố: “Đến lúc Gaddafi phải ra đi ngay mà không được gây thêm bạo lực”.

Thủ tướng Anh David Cameron tối 28-2 cũng tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để “giải phóng” Libya. Ông ủng hộ áp lệnh cấm bay tại Libya và dọa đưa quân đội Anh vào Libya để “gìn giữ hoà bình”. Ông yêu cầu các tư lệnh Anh lập kế hoạch về vùng cấm bay tại Libya, nếu máy bay của Gaddafi tấn công người biểu tình, không quân Hoàng gia Anh (RAF) sẽ can thiệp.

Anh sẽ điều 59 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon bay đến căn cứ của quân Anh tại Akrotiri trên đảo Cyprus nằm ở Địa Trung Hải..

Theo kế hoạch về vùng cấm bay, Mỹ, Anh và NATO cùng giám sát khu vực cấm bay trên toàn lãnh thổ Libya hoặc những vùng mà người nổi dậy đã làm chủ.

Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã phong toả hoàn toàn 30 tỷ USD tài sản của Gaddafi và người thân của ông ta, và của ngân hàng trung ương Libya tại Mỹ.

Lực lượng chống đối đã đẩy lùi cuộc tấn công của phe Gaddafi tại thành phố Zawiyah, cách thủ đô Tripoli khoảng 80km về phía tây. Trong khi đó ông Gaddafi phát biểu với phóng viên ABC News, BBC và báo Times of London tại Tripoli: “Người dân vẫ còn yêu mến tôi”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trả lời phỏng vấn báo McClatchy tại Washington: "Gaddafi đã tiến hành chiến tranh với nhân dân của ông ta và vì vậy ông ta đã mất hết tính hợp pháp".

Ước tính có hơn 100.000 người rời Libya qua ngả Ai Cập và Tunisia, tạo nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn lao với những điều kiện thiếu thốn về thực phẩm và thuốc men.

Tại Benghazi, người dân phản đối sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Libya. Ông Ahmed Sukaya Pobaee, một trung uý trong lực lượng quân sự chống Gaddafi nói: “Không chấp nhận can thiệp của nước ngoài, chúng tôi không muốn trở thành một Iraq”.

SGTT.VN

;
.
.
.
.
.