Bầu trời Libya trong đêm 19-3 và ngày 20-3 đỏ lửa. Tổng thống Muammar Gaddafi gọi cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh là “sự xâm lược trắng trợn”.
Nhiều người dân ở Tripoli vẫn ủng hộ nhà lãnh đạo Gaddafi và chống lại việc LHQ áp đặt vùng cấm bay. Ảnh: THX |
Mỹ và các nước châu Âu tối 19-3 đã mở đợt không kích vào lực lượng của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi bằng tên lửa hành trình Tomahawk, đánh dấu nỗ lực can thiệp lớn nhất của quốc tế vào thế giới Arab kể từ cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 đến nay. Theo Đài truyền hình Libya, ít nhất 48 người thiệt mạng, 150 người khác bị thương, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Chiến dịch “Bình minh Odyssey”
Quân đội Mỹ cho biết, 112 tên lửa hành trình Tomahawk từ tàu chiến Anh và Mỹ đã nhằm vào hơn 20 mục tiêu, bao gồm các vị trí phòng không, thông tin liên lạc của Libya. Chiến dịch mang tên “Bình minh Odyssey” nhằm dọn đường cho việc tuần tra không phận của quốc gia Bắc Phi này theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Theo AP, Nghị quyết 1973 của LHQ cho phép thiết lập vùng cấm bay và “bật đèn xanh” để liên quân quốc tế không kích Libya, buộc lực lượng ủng hộ ông Gaddafi phải chấm dứt hành động vốn bị cáo buộc là đàn áp lực lượng nổi dậy khiến hàng trăm người thiệt mạng cùng khoảng 300.000 người rời bỏ đất nước giàu dầu mỏ này kể từ cuộc nổi loạn ngày 15-2.
Báo chí Libya đưa tin: Các máy bay chiến đấu của phương Tây tấn công vào các mục tiêu dân sự ở Tripoli. Song, một phát ngôn viên quân đội lại nói rằng, các trận không kích đã dội vào các xe tăng nhiên liệu ở thành phố Misrata, phía đông Tripoli. Sáng 20-3, một đợt ném bom lại diễn ra ở khu vực gần trụ sở chính của ông Gaddafi tại thủ đô Tripoli. Hàng loạt tiếng súng phòng không từ các lực lượng Libya bảo vệ thành phố này cũng vang lên khắp nơi.
Các nhà chức trách Mỹ háo hức xác nhận rằng, những thiệt hại ở Libya đủ để đảm bảo tuần tra không phận, bảo vệ dân thường khỏi bị lực lượng Chính phủ tấn công. Pháp đã khai hỏa khi bắn vào 4 xe tăng ở gần Benghazi, căn cứ địa của quân nổi dậy ở miền đông. Theo CNN, một vài giờ trước đó, gần 1.000 người đã tập trung tại dinh thự của ông Gaddafi ở Tripoli, hô vang các khẩu hiệu, vẫy quốc kỳ Libya và bắn pháo hoa bày tỏ sự ủng hộ Chính phủ cũng như với cá nhân nhà lãnh đạo Gaddafi.
Ông Gaddafi thề trả đũa
Tàu khu trục Hải quân Mỹ mang tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Libya. Ảnh: NYT |
Nhà lãnh đạo Gaddafi cam kết bảo vệ đất nước trước những gì mà ông gọi là “sự xâm lược trắng trợn”. Trong thư gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, ông Gaddafi nói rằng, Nghị quyết của LHQ áp đặt vùng cấm bay với không phận Libya không có hiệu lực.
Vị Tổng thống nắm quyền gần 42 năm ở Libya thúc giục HĐBA LHQ và cộng đồng quốc tế ngay lập tức phải có trách nhiệm ngăn chặn hành động xâm lược chống lại một đất nước có chủ quyền. Ông cảnh báo rằng, sự tham gia của lực lượng quốc tế sẽ khiến khu vực Địa Trung Hải và Bắc Phi trở nên nguy hiểm hơn, đặt thường dân vào những rủi ro. Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Tổng thống Gaddafi thề trả đũa và cho biết, ông sẵn sàng mở kho vũ khí cho những người ủng hộ để bảo vệ độc lập, thống nhất cũng như danh dự của Libya. Còn Bộ Ngoại giao Libya nói rằng, các cuộc tấn công đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Cơ quan này đã yêu cầu HĐBA LHQ phải họp khẩn cấp.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay, hành động quân sự không phải là sự lựa chọn đầu tiên của ông và tái khẳng định sẽ không điều bộ binh đến Libya. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang xem xét hoặc tham gia liên minh Mỹ - châu Âu, hoặc chỉ cung cấp hậu cần, tình báo và các hỗ trợ khác cho các nước can thiệp vào Libya.
Thế giới quan ngại
Cuộc chiến vì dầu mỏ? Báo Bưu điện Washington cho biết, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã chỉ trích các cuộc không kích nhằm vào Libya, cáo buộc rằng, đằng sau việc Mỹ và các đồng minh châu Âu tấn công quốc gia Bắc Phi này là dầu mỏ. Lãnh tụ Cuba Fidel Castro cũng đã nêu quan ngại tương tự. Trong khi đó, Tổng thống Bolivia Evo Morales và người đồng cấp Nicaragua Daniel Ortega cáo buộc sự can thiệp của các cường quốc thế giới chỉ nhằm vào dầu mỏ của Libya. Ông Ortega thậm chí còn lên án LHQ và Tổng Thư ký Ban Ki-moon trở thành “công cụ của những cường quốc”. |
Ủy ban của Liên minh châu Phi (AU), bao gồm Mauritania, Mali, Congo, Nam Phi và Uganda, ngày 20-3 kêu gọi ngay lập tức ngừng tất cả các cuộc tấn công nhằm vào Libya. Lời kêu gọi này được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 4 giờ ở thủ đô Nouakchott của Mauritania.
AU yêu cầu các nhà chức trách Libya bảo đảm viện trợ nhân đạo cần thiết cho tất cả người dân, cũng như bảo vệ những người nước ngoài, trong đó có các chuyên gia của châu Phi đang sống tại đất nước này. AFP cho biết, một cuộc họp của AU sẽ được tổ chức vào ngày 25-3 tới tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, cùng các đại diện của Liên đoàn Arab, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo, Liên minh châu Âu (EU) và LHQ để bàn về khủng hoảng Libya.
Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự an toàn của thường dân Libya. Các nhà chức trách thuộc Ủy ban kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm ngặt những điều luật và nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế bằng cách phân biệt rõ ràng thường dân và chiến binh, cũng như việc bảo đảm an toàn cho các tổ chức nhân đạo quốc tế.
Hãng Reuters dẫn lời một số nhà phân tích đặt vấn đề về chiến dịch can thiệp quân sự, e ngại rằng lực lượng phương Tây có thể bị cuốn vào một cuộc nội chiến kéo dài, cho dù Mỹ đã khẳng định không có kế hoạch điều bộ binh đến Libya.
Trung Quốc phản đối dùng vũ lực Ngày 20-3, Trung Quốc cho biết, nước này rất lấy làm tiếc về việc các máy bay của Mỹ và châu Âu chống lại Libya nhằm thực thi vùng cấm bay mà Liên Hợp Quốc (LHQ) đã áp đặt. Hãng AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói rằng, Bắc Kinh luôn không đồng ý với việc dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trong tuyên bố được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du khẳng định: Bắc Kinh hy vọng tình hình ở Libya sẽ sớm trở lại ổn định nhằm tránh dẫn đến xung đột quân sự leo thang. Trung Quốc là một trong 5 quốc gia bỏ phiếu trắng tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 17-3. Nga cũng đưa ra tuyên bố tương tự, trong đó kêu gọi ngừng bắn càng sớm càng tốt. Tuyên bố của Trung Quốc không đề cập đến việc ngừng bắn, nhưng nhấn mạnh Bắc Kinh tôn trọng “chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của đất nước Bắc Phi. Mỹ, Anh, Pháp, Italia và nhiều nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng nhiều quốc gia Arab ủng hộ việc can thiệp vào Libya. Các nước bỏ phiếu trắng trong đó có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil. |
VĨNH AN