.

Nhật Bản: Thực phẩm nhiễm phóng xạ

* Hơn 21 ngàn người chết và mất tích

Nồng độ iodine trong cải bó xôi ở thành phố Hitachi thuộc tỉnh Ibaraki, cách nhà máy điện hạt nhân hơn 100km về phía nam, vượt 27 lần so với giới hạn an toàn.

Hãng Kyodo ngày 21-3 dẫn lời các nhà chức trách cho biết, tuy nồng độ iodine được tìm thấy trong cải bó xôi cao nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Chính quyền Ibaraki nói rằng, trong 1 kg rau cải bó xôi trồng ngoài trời ở Hitachi có 54.000 đơn vị becquerel lượng iodine, vượt quá tiêu chuẩn 2.000 becquerel theo luật vệ sinh thực phẩm của Chính phủ Nhật. Lượng cesium trong cải bó xôi cũng ở mức 1.931 becquerel, so với tiêu chuẩn là 500 becquerel.

Tại thành phố Kitaibaraki thuộc tỉnh Ibaraki, lượng iodine trong cải bó xôi là 24.000 becquerel - gấp 12 lần so với tiêu chuẩn; lượng cesium là 690 becquerel - hơn chuẩn 190 becquerel. Tỉnh trưởng Masaru Hashimoto khẳng định sẽ tiếp tục yêu cầu ngưng vận chuyển loại rau này mặc dù không gây nguy hại đến sức khỏe. Tại Tochigi và Gunma, lượng phóng xạ trong cải bó xôi và cải dầu đều vượt tiêu chuẩn. Phóng xạ cũng gấp 2 lần trong rau shungiku (cải cúc Nhật) từ Asashi, tỉnh Chiba.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21-3 cho rằng, thực phẩm nhiễm phóng xạ là “tình trạng nghiêm trọng”. Nhật Bản nhập khẩu lương thực nhưng lại là nước xuất khẩu lớn, chủ yếu là trái cây, rau, các sản phẩm sữa và hải sản. Thị trường lớn nhất là Hồng Kông, Trung Quốc và Mỹ. Bộ Y tế Nhật Bản đồng thời khuyến cáo 6.000 người ở làng Iitate, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi 30km về phía tây bắc, không uống nước máy do phát hiện hàm lượng iodine cao. Người phát ngôn Bộ Y tế Takayuki Matsuda nói rằng, nồng độ iodine trong nước cao gấp 3 lần so với mức bình thường.

Thời tiết xấu đã khiến Thủ tướng Naoto Kan phải hoãn chuyến thị sát nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và làm công việc khắc phục thảm họa trở nên khó khăn. Đội tìm kiếm và cứu trợ ở tỉnh Miyagi, tỉnh thiệt hại nặng nề nhất và được dự đoán có 20.000 người thiệt mạng, đã hoãn mọi nỗ lực do mưa lớn. Đồng thời, mưa lớn cũng làm gia tăng lo ngại về ô nhiễm phóng xạ. Cảnh sát Nhật Bản ước tính số người chết và mất tích đã vượt quá 21.000 người. Con số được công bố ngày 21-3 bao gồm 8.649 người thiệt mạng và 13.262 người vẫn mất tích. 

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Nhật Bản thiệt hại từ 122 - 235 tỷ USD, chiếm từ 2,5 - 4% GDP của nền kinh tế thứ ba của thế giới và phải mất 5 năm để tái thiết những vùng bị thiệt hại sau thảm họa. Theo WB, thảm họa sẽ làm tổn thương tăng trưởng của Nhật suốt năm 2011. Báo cáo của WB còn đánh giá: Tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á có thể sẽ chậm trong năm nay khi các ngân hàng trung ương đều quan ngại về lạm phát do giá lương thực và năng lượng tăng.  

Cũng trong sáng 21-3, các xe cứu hỏa đã nối lại hoạt động phun nước tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, tiếp tục nỗ lực làm mát bể chứa nhiên liệu của các lò phản ứng hạt nhân. Đến nay, tổng cộng 128 quốc gia và 33 tổ chức quốc tế đã đề nghị hỗ trợ Nhật Bản khắc phục thảm họa.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.