.

Nội các Nhật Bản lao đao

.

Các báo ở Nhật Bản cho rằng, Thủ tướng Naoto Kan đang “đứng bên bờ vực” sau khi Ngoại trưởng Seiji Maehara bất ngờ từ chức.

 

Ông Seiji Maehara xin lỗi người dân Nhật Bản. (Ảnh: AFP)
Ông Seiji Maehara xin lỗi người dân Nhật Bản. (Ảnh: AFP)

Ngày 7-3, Thủ tướng Naoto Kan đã bác bỏ việc từ chức sau khi Ngoại trưởng Seiji Maehara rời nội các do bê bối quỹ chính trị. Phát biểu trước Quốc hội, ông Kan nói rằng, sẽ hoàn thành nhiệm kỳ của mình cho đến bầu cử, dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2013. Trong khi đó, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập đang nắm giữ Thượng viện kêu gọi tiến hành bầu cử sớm và đe dọa sẽ ngăn chặn dự luật ngân sách.
Reuters cho biết, hiện chưa rõ Thủ tướng Naoto Kan sẽ xoay xở như thế nào để giữ vững cương vị, nhất là trong lúc Chính phủ của ông phải thúc giục một Quốc hội đang chia rẽ thông qua dự luật ngân sách vốn gây nhiều tranh cãi vào tháng 4 tới. 

Động thái Ngoại trưởng Maehara từ chức vào tối 6-3 được cho là tác động lớn đến Chính phủ của Thủ tướng Kan. Ông Maehara đã thừa nhận việc nhận tổng cộng 250.000 yen (3.000 USD) từ một người phụ nữ Hàn Quốc 72 tuổi trong chiến dịch gây quỹ của Đảng Dân chủ (DPJ) nhiều năm qua. Nhà ngoại giao 48 tuổi được xem là người kế nhiệm ông Kan đã lên tiếng xin lỗi người dân Nhật Bản. Luật pháp quốc gia châu Á này cấm các chính trị gia nhận tiền từ bên ngoài nhằm ngăn chặn quyền lực nước ngoài có ảnh hưởng đến chính trị trong nước. Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano sẽ tạm kiêm nhiệm vị trí của ông Maehara. Song, ngày 7-3, ông Kan khẳng định sự việc này sẽ không ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Nhật Bản.

Trong lúc đó, Bộ trưởng Y tế Ritsuo Hosokawa cũng đang chịu sức ép từ chức nhưng Thủ tướng Kan nhấn mạnh muốn giữ ông này lại trong nội các. Báo chí Nhật cảnh báo các Bộ trưởng có thể từ nhiệm theo “hiệu ứng domino”.

Reuters dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, Chính phủ của ông Kan có thể sẽ sụp đổ sớm hơn. Báo Mainichi Shimbun nhận định: Chính phủ trung tả đang đối mặt với khủng hoảng lớn nhất kể từ khi ông Kan nắm quyền vào tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khác lại dự đoán việc ông Maehara rời nội các sẽ không làm Chính phủ sụp đổ ngay lập tức. Thủ tướng Kan là nhà lãnh đạo thứ năm của Nhật Bản kể từ năm 2006 đến nay. Tỷ lệ ủng hộ ông hiện dưới 20% do Chính phủ không giải quyết được nhiều vấn đề nghiêm trọng. Sự trì trệ đã khiến Nhật Bản đánh mất vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới. Thêm vào đó là nợ công khổng lồ, tình trạng dân số già kéo theo bao hệ lụy cho an sinh xã hội.


PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.