.

Nước Anh dậy sóng

Tình hình hiện nay ở khu vực châu Âu không chỉ có Bồ Đồ Nha, Hy Lạp, Italia, Ireland, Tây Ban Nha... dân chúng bất bình xuống đường biểu tình chống chính phủ  do chính sách  “thắt lưng buộc bụng” vì món nợ công khổng lồ, mà nay lại đến lượt nước Anh, cơn sóng lại bùng lên dữ dội.

Ngày 26-3, hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ ra đường phố London để tham gia một cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ của chính phủ. Các nghiệp đoàn tổ chức cuộc biểu tình trên dự kiến có hàng trăm ngàn người biểu tình tham gia phản đối các cắt giảm nhằm đối phó với thâm hụt ngân sách của liên minh cầm quyền Đảng Bảo thủ-Dân chủ Tự do. Cũng theo cảnh sát Anh, khoảng 4.500 cảnh sát sẽ được triển khai ở London để ngăn ngừa các vụ bạo lực có thể diễn ra.

Mặc dù không khí chung của cuộc biểu tình chống chính phủ ở Anh lần này vẫn diễn ra ôn hòa, song đã có những dấu hiệu của bạo động khi một vài nhóm quá khích tấn công cảnh sát và một số cửa hiệu trên đường phố bị đốt phá. Đã có một cảnh sát bị thương trong vụ xô sát giữa một nhóm biểu tình bao gồm một số thanh niên quá khích ngay gần khu vực có nhiều cơ quan đầu não của Chính phủ Anh. Một số cửa hiệu trên phố thương mại Oxford bị phá hoại. Một chi nhánh của ngân hàng HSBC cũng bị tấn công. Cảnh sát Anh cảnh báo các phần tử khủng bố có thể trà trộn vào người biểu tình để hành động. Báo chí đưa tin đã có một số trường hợp bị thương do xô xát.
 
Mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng cuộc biểu tình chống cắt giảm ngân sách công của chính phủ liên minh Anh đã thu hút tới 400 ngàn người tham gia, chủ yếu là những người đang làm việc trong các lĩnh vực công. Đa số cho rằng tiến độ cắt giảm này quá mạnh, khiến hàng trăm ngàn người thất nghiệp trong bối cảnh suy thoái kinh tế.  Đoàn biểu tình càng trở nên phấn khích khi Thủ lĩnh Công đảng đối lập, Ed Miliband, tuyên bố ông “tự hào” khi được đứng về phía họ để phản đối kế hoạch cắt giảm ngân sách của chính phủ liên minh. Unison, tổ chức Công đoàn lớn thứ hai ở Anh, bao gồm chủ yếu là thành viên đang làm việc trong lĩnh vực công đã thuê hơn 800 chuyến xe buýt và hàng chục chuyến tàu điện để đưa người biểu tình từ các tỉnh về tụ tập ở thủ đô London. Đây được coi là cuộc biểu tình lớn nhất tại thủ đô London kể từ tháng 2-2003 khi khoảng một triệu người tuần hành phản đối cuộc chiến tranh Iraq.

Các nhà quan sát cho rằng, cuộc biểu tình lần này ở London là cảnh báo nhiều nguy cơ khác có thể xuất hiện, vì nó diễn ra không chỉ trong bối cảnh món nợ công khổng lồ bị tác động đến toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nước này, mà cuộc chiến ở Lybia với sự tham gia của quân đội Anh  ngốn không ít tiền bạc, sẽ là nhân tố tác động tới làn sóng phẩn nộ của công chúng. Chính phủ của Thủ tướng David Cameron sẽ giải thích với cử tri  Anh như thế nào khi buộc họ phải  “thắt lưng buộc bụng”  nhưng lại vung tiền vào cuộc chiến đầy mạo hiểm và tốn kém  ở Lybia đến như vậy ? Nghịch lý đó rõ ràng dân chúng Anh khó chấp nhận.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.