.

Ông Gaddafi phản đối vùng cấm bay

.
Mỹ và Anh đang thúc đẩy về giải pháp vùng cấm bay trên bầu trời Libya với sự hậu thuẫn của quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh: Washington tin rằng, bất kỳ quyết định áp đặt vùng cấm bay ở đất nước giàu dầu mỏ của châu Phi này sẽ là vấn đề đối với Liên Hợp Quốc (LHQ), chứ không phải là sáng kiến do Mỹ đưa ra.
 
Mô tả ảnh.
Lực lượng nổi dậy đã bỏ chạy khi quân Chính phủ phản công ở thị trấn Ras Lanuf.  Ảnh: Getty Images
 
Song, bà Clinton kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về vùng cấm bay nhằm ngăn chặn các máy bay chiến đấu của Tổng thống Muammar Gaddafi phản công lại lực lượng nổi dậy. Theo đó, vùng cấm bay sẽ nghiêm cấm các chuyến bay quân sự của Chính phủ hoạt động trong không phận Libya. Bất kỳ máy bay nào vi phạm sẽ có thể bị lực lượng quốc tế bắn hạ. Trước đây, vùng cấm bay từng được áp đặt ở miền bắc và nam Iraq trong làn sóng của cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và trong chiến tranh Bosnia năm 1994-1995.

Phát biểu trên đài truyền hình Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT Turk ngày 9-3, Tổng thống Gaddafi khẳng định người dân Libya sẽ đấu tranh nếu phương Tây áp đặt vùng cấm bay. Ông chỉ trích rằng, động thái của phương Tây cho thấy mục đích thật sự là chiếm giữ đất nước dầu mỏ này. “Nếu họ đưa ra quyết định như thế (áp đặt vùng cấm bay), điều này sẽ có lợi cho Libya. Bởi lẽ, người dân Libya sẽ thấy sự thật, rằng những gì họ muốn là kiểm soát Libya và đánh cắp dầu mỏ”, ông Gaddafi nói. Đề xuất vùng cấm bay sẽ được các Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thảo luận vào hôm nay (10-3). Các nước phương Tây, các nước Hồi giáo vùng Vịnh cũng hậu thuẫn cho vùng cấm bay và lên án Libya dùng vũ lực chống lại thường dân. Trong lúc đó, phe đối lập chống lại ông Gaddafi cũng muốn có vùng cấm bay, thậm chí không cần sự thống nhất của LHQ, nhưng chỉ khi không có binh sĩ nước ngoài nào trên lãnh thổ Libya.

Đài truyền hình Libya cũng phát sóng hình ảnh ông Gaddafi nói chuyện với những người ủng hộ thị tộc. Nhà lãnh đạo nắm quyền gần 42 năm này lên án các Chính phủ châu Âu và Al-Qaeda đang chia rẽ Libya. Các nguồn tin cho rằng, ông Gaddafi không có dấu hiệu sẵn sàng thỏa hiệp hoặc đối thoại với phe đối lập.

Cũng trong ngày 9-3, lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi đã dùng xe tăng, tên lửa, máy bay chiến đấu phản công nhằm đánh bật quân nổi dậy. Các xe tăng và máy bay tấn công vào lực lượng nổi dậy ở Zawiya, thành phố do phe đối lập chiếm giữ và cách thủ đô Tripoli 50km về phía tây. Quân ủng hộ ông Gaddafi đã nã pháo vào các vùng ngoại ô Zawiya và nỗ lực chiếm giữ quảng trường chính. Trao đổi qua điện thoại với hãng Reuters, một thành viên của quân nổi dậy nói: “Chúng tôi có thể thấy xe tăng. Xe tăng ở khắp nơi”. Theo Ibrahim, một người dân của Zawiya, hàng chục thi thể nằm rải rác trên đường phố. Nơi này cũng không có điện, không có nước và gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Rất nhiều tay súng bắn tỉa có mặt trên nóc các tòa nhà và bắn vào những ai rời khỏi nơi ở. “Thành phố Zawiya mà bạn biết không còn tồn tại nữa. Zawiya hoang vắng. Không có người nào trên đường phố, thậm chí không có cả chim trên bầu trời”, Ibrahim nói.

Phát ngôn viên Chính phủ Libya cho hay, quân đội hầu như kiểm soát được Zawiya nhưng vẫn còn một nhóm nhỏ quân đối lập khoảng từ 30-40 người ẩn náu trên các đường phố hay trong nghĩa trang và đang tuyệt vọng.

LHQ ước tính, hơn 1.000 người đã thiệt mạng kể từ khi bất ổn bắt đầu xảy ra cách đây gần 3 tuần ở Libya. Khoảng 212.000 người, hầu hết là lao động nước ngoài, đã rời khỏi đất nước Bắc Phi này.

THIÊN BÌNH
;
.
.
.
.
.