.

Phép thử sự kiên cường

.
Tinh thần của người dân Nhật Bản được thử nghiệm với những gì mà Thủ tướng Naoto Kan gọi là khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai.

Mô tả ảnh.
Sau hàng loạt thảm họa liên tiếp, người Nhật Bản vẫn xếp hàng trật tự để mua dầu hoặc nhận viện trợ lương thực.  Ảnh: AP
Gần tâm chấn động đất và sóng thần, những nhân viên tại một nhà kho đã bày ra nhiều cà-phê lon cùng soda và mời miễn phí người qua đường. Họ đặt những chiếc hộp trên vỉa hè và nói lớn: “Hãy tự giúp mình. Hãy lấy những gì bạn cần”.

Hãng AP cho biết, nhiều người sống sót đã và đang bình tĩnh để giúp chính mình cũng như những người khác. Những ngày qua, không có nhiều sự tức giận và thất vọng đối với Chính phủ, điều thường có ở các nước khác khi đối mặt với thảm họa. 

Osamu Hayasaka là một trong những người tham gia phân phát thức uống miễn phí ở thành phố Tagajo. Người đàn ông 61 tuổi này đã buộc 2 thùng thức uống vào chiếc xe đạp màu đỏ rồi đi chia sẻ cho những người già ở gần nơi ông sống. Gia đình của ông Hayasaka cũng trải qua những ngày không có điện, không có nước và chỉ cầm cự bằng chút thực phẩm ít ỏi. Tuy nhiên, ông không tỏ ra tức giận với Chính phủ. Hayasaka nói rằng, ông hiểu các nhà chức trách có những ưu tiên khác.

Đất nước với 127 triệu người có bề dày lịch sử thảm họa, cả do con người lẫn do tự nhiên, từ trận động đất năm 1923 khiến 142.800 người thiệt mạng ở Tokyo, đến Thế chiến thứ II kết thúc bằng 2 vụ ném bom của Mỹ nhằm vào Hiroshima và Nagasaki. Rồi đến “cơn ác mộng” động đất năm 1995 làm 6.400 người chết ở Kobe, người dân Nhật tiếp tục chịu đựng và kiên trì tái thiết đất nước. Bây giờ, tinh thần đó lại được thử nghiệm và phát huy khi đương đầu với thảm họa kinh hoàng mà chính Thủ tướng Naoto Kan đã gọi là khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.  

Giữa lúc ngổn ngang với động đất, sóng thần và đe dọa của phóng xạ, các nhà báo nước ngoài đã đánh giá về sự lịch sự của người Nhật. Tại đất nước châu Á này, dù hoảng sợ, hoang mang, dù mang bao nỗi đau khi mất nhà cửa và người thân, nhưng người dân ít tỏ ra tức giận, cũng không có tình trạng cướp bóc, bạo lực hay trục lợi như các thảm họa ở nhiều quốc gia khác. Trong khi đó, khi nước Mỹ - cường quốc hàng đầu thế giới phải chống chọi với bão New Orleans vào năm 2005, Chính phủ Washington phải đau đầu trước cảnh hỗn loạn bởi các vụ đọ súng, cướp của…

Giáo sư người Mỹ Robert Dujarric, Giám đốc Viện nghiên cứu Nhật Bản đương đại tại Trường Đại học Temple ở Tokyo có mặt trên một đoàn tàu phải dừng lại trong đêm do ảnh hưởng của động đất. Ông đã chứng kiến sự yên lặng, bình thản của hành khách. Thậm chí, họ không hề quấy rầy các nhân viên bằng câu hỏi như khi nào tàu sẽ chuyển bánh lại.

Tại Ofunato - thành phố ven biển ở Iwate - bị san phẳng, ô-tô và tàu nằm lẫn với cây cối và trụ điện ngã đổ, người dân đã dọn dẹp một số tuyến đường rồi để quần áo cứu hộ gọn gàng bên lề đường. Tại một trung tâm tị nạn, trẻ em chơi bài, còn người lớn đọc báo, một số người dân khác nói rằng, dù không ai đề nghị giúp đỡ nhưng hầu hết mọi người đã quen hỗ trợ lẫn nhau và những ngày này, họ phải dựa vào nhau để vật lộn với sự sống. 

Giáo sư Gregory Pflugfelder nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng, người dân xứ sở hoa anh đào tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh của nhóm và cộng đồng, bởi lẽ họ xem đây là cách duy nhất để cân bằng nhu cầu của cá nhân.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.