.

Phóng xạ lan rộng, Nhật Bản yêu cầu 140.000 dân ở trong nhà

.
(ĐNĐT) - Mức rò rỉ phóng xạ nguy hiểm từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi buộc Nhật Bản phải ra lệnh cho 140.000 người ở nguyên trong nhà vào ngày 15-3.

Mô tả ảnh.
Một phụ nữ Nhật Bản đeo khẩu trang đọc thông tin về rò rỉ phóng xạ (Ảnh: AP)

Trong một phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Naoto Kan cho biết, phóng xạ đã lan ra từ 4 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện Fukushima Daiichi, tỉnh Fukushima.

"Làm ơn không đi ra ngoài"
 
Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, giới chức Nhật Bản thông báo với họ rằng vụ cháy tại lò phản ứng số 2 xảy ra tại bể chứa, một bể nước dùng để giữ mát nhiên liệu hạt nhân và “phóng xạ đang phun trực tiếp vào bầu không khí”.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Edano khuyến cáo người dân trong khu vực nguy hiểm: “Làm ơn không đi ra ngoài. Hãy ở trong nhà. Hãy đóng các cửa sổ và bít kín nhà lại. Mức phóng xạ đó có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng tôi không hề nhầm lẫn”.

Mặc dù Thủ tướng Kan và giới chức thúc giục người dân hãy bình tĩnh, các sự việc ngày hôm nay đã làm tăng thêm sự hoảng hốt với người dân Nhật và toàn thế giới giữa lúc người ta còn chưa biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Trong một kịch bản tồi tệ nhất, lõi của lò phản ứng hoàn toàn nóng chảy, một thảm họa sẽ là một lượng lớn phóng xạ sẽ phát thải vào không khí.

Tại Tokyo, đã có báo cáo các mức phóng xạ đang tăng nhẹ, tuy nhiên giới chức cho rằng, sự gia tăng còn quá nhỏ, chưa đe dọa đến 39 triệu dân tại chỗ và chung quanh thủ đô Tokyo, nằm cách nhà máy điện Daiichi 270 km.

 
Làm ơn không đi ra ngoài. Hãy ở trong nhà. Hãy đóng các cửa sổ và bít kín nhà lại. Mức phóng xạ đó có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng tôi không hề nhầm lẫn
 
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Edano
Càng gần đến khu vực nhà máy điện xảy ra sự cố, các con đường tại thành phố biển Soma đã vắng bóng người bởi còn rất ít người dân tại đó và họ lưu ý cảnh báo của chính phủ là ở trong nhà.

Theo hãng tin Kyodo, phía nam của Fukushima được báo cáo là mức phóng xạ đã cao gấp 100 lần mức bình thường vào sáng ngày 15-3. Trong khi đó, các con số đó là rất đáng lo ngại nếu phơi nhiễm quá lâu, vượt xa mức nguy hiểm đến tính mạng con người.

Dự báo thời tiết cho thấy Fukushima giờ tuyết đang rơi và gió đông bắc vào tối ngày 15-3, thổi về hướng tây nam, hướng đến Tokyo, sau đó sẽ đổi sang hướng tây để ra biển. Điều này là rất quan trọng bởi vì nó cho thấy hướng của các đám mây hạt nhân sẽ bay tới.

Đây là khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất mà Nhật Bản đối mặt kể từ vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là lần đầu tiên mối đe dọa hạt nhân tồi tệ xảy ra trên thế giới sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.

Khoảng 70.000 người đã sơ tán trong bán kính 20 km từ nhà máy Daiichi, 140.000 người vẫn còn ở tại khu vực cảnh báo.
 
Áp đặt vùng cấm bay
 
Chiều 15-3, Nhật Bản đã áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời nhà máy điện Fukushiam Daiichi do phát hiện phóng xạ, Bộ Giao thông Nhật cho biết.

Mô tả ảnh.
Một phụ nữ đi qua gian hàng trống trơn ở một siêu thị tại Tokyo ngày 15-3 sau thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng phóng xạ hạt nhân. Ảnh: Getty
Một vài đại sứ quán đã khuyến cáo nhân viên và công dân của mình hãy rời các khu vực bị ảnh hưởng, các du khách cắt ngắn kỳ nghỉ và các công ty đa quốc gia thúc giục nhân viên của mình rời khỏi thủ đô hoặc đang xem xét kế hoạch sơ tán ra khỏi Tokyo.

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã sơ tán toàn bộ công nhân của nhà máy, chỉ để lại 50 người sau vụ nổ lò phản ứng số 2. Chính phủ đã lệnh sơ tán tất cả mọi người trong vòng bán kính 20 km chung quanh nhà máy Daiichi. Những người trong vòng bán kính từ 20 đến 30 km phải ở trong nhà để tránh phóng xạ.
 
Ông Edano cho biết thêm, hệ thống làm mát tại lò phản ứng số 2 đã bị hỏng do vụ nổ khí hydro vào ngày 14-3, các công nhân đang cố gắng để giữ nhiệt độ tại lò số 2 trong vòng kiểm soát bằng cách bơm nước biển vào lò.
 
“Tác động nổ” xảy ra lúc gần 6 giờ sáng hôm nay, các thang đo áp suất cho thấy một số hư hại đối với bể giảm áp tại lò phản ứng số 2, một bể chứa hình cái bánh chiên tại đáy của bể chứa lò phản ứng.

Mô tả ảnh.
Một hàng dài ô tô nối đuôi nhau chờ đổ xăng ở Tokyo ngày 15-3. Ảnh: AP
Cơ quan An toàn công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản ngày hôm nay cho biết, có đến 2,7 mét, khoảng một nửa chiều dài các thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 2, đã bị trống và phát nhiệt, tạo ra hơi nước và có thể dẫn đến nóng chảy lõi của lò phản ứng.

Tuy nhiên, ông Kenneth Bergeron, nhà vật lý từng làm việc cho Phòng Thí nghiệm quốc gia Sandia tại bang New Mexico của Bộ Năng lượng Mỹ, cho rằng, trong khi có thể các lõi của lò phản ứng đã hư hại, nó sẽ trở nên nóng hơn rất nhiều và lượng uranium mật độ cao trong các thanh nhiên liệu sẽ nóng chảy. Việc này sẽ buộc chính quyền và dân cư chung quanh nhà máy phải có thời gian chuẩn bị.

“Phải có cảnh báo, nhưng chúng tôi yêu cầu cần phải có những phản ứng thật mạnh mẽ từ phía chính quyền”, ông Bergeron nói.

Hiện Mỹ đã phái 10 chuyên gia từ Ủy ban An toàn hạt nhân, trong đó có 2 chuyên gia làm mát đến hỗ trợ Nhật Bản. 2 người đã lên đường vào hôm thứ Bảy và những người còn lại xuất phát từ hôm 14-3.

Quang Hiển (Theo MSNBC, Reuters, CNN)
TIN LIÊN QUAN
;
.
.
.
.
.