.

Phương Tây giục ông Gaddafi ra đi

.

“Tầm nhìn mới” cho tương lai của Libya đã được đặt ra tại London, thủ đô của Anh. Thủ tướng nước chủ nhà David Cameron gọi đây là khởi đầu mới, bất chấp sự chia rẽ giữa các cường quốc về vấn đề Libya.

 

Mô tả ảnh.
Biểu tình ủng hộ nhà lãnh đạo Gaddafi trên con phố dẫn đến nơi diễn ra hội nghị London. Ảnh: THX

 

Các nhà quan sát cho hay, hội nghị London diễn ra trong ngày 29-3 (giờ địa phương) đã không giải quyết được những vấn đề chính xung quanh khủng hoảng ở Libya và những tranh cãi giữa các nước có liên quan về hoạt động quân sự tại chiến trường Bắc Phi. Cuộc gặp gỡ trong 3 tiếng đồng hồ giữa đại diện của gần 40 quốc gia cùng một số tổ chức quốc tế chính, bao gồm Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn Arab đã không tìm ra được giải pháp xoa dịu khủng hoảng hiện tại hay thời hậu chiến, ngoài việc kêu gọi Tổng thống Muammar Gaddafi từ chức.

Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng, các bên tham dự thống nhất lập một nhóm tiếp xúc để dẫn đầu những nỗ lực của quốc tế vạch ra lộ trình tương lai Libya. Theo đó, nhóm này gồm 15 quốc gia sẽ phối hợp với các tổ chức khác để lãnh đạo và chỉ đạo chính trị chung những nỗ lực của quốc tế. Qatar sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên của nhóm này trong thời gian sớm nhất. Sau Qatar, chức Chủ tịch nhóm sẽ được luân chuyển giữa các nước trong và ngoài khu vực. Thủ tướng Qatar, ông Hamad bin Jassim bin Jabor al-Thani, đã thúc giục Tổng thống Gaddafi từ nhiệm và cho rằng, đó là giải pháp duy nhất với nhà lãnh đạo nắm quyền gần 42 năm này.

Song, sự đồng thuận chung trong những vấn đề quan trọng về Libya vẫn không được tìm thấy tại London, chẳng hạn như mục đích cuối cùng của hoạt động quân sự, thời điểm kết thúc chiến dịch và NATO có hạn chế các cuộc không kích để tránh gây thương vong cho dân thường hay không.

Hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, một đặc sứ của Liên Hợp Quốc sẽ đến thủ đô Tripoli của Libya để bàn thảo về việc ông Gaddafi rời khỏi đất nước. Theo bà Clinton, lệnh ngừng bắn chỉ có thể có khi các điều kiện nhân đạo được đáp ứng. Trong lúc đó, Pháp khẳng định sẵn sàng đối thoại về việc viện trợ quân sự cho lực lượng nổi dậy.

Các cuộc không kích nhằm vào Libya của liên quân do Mỹ cầm đầu vốn không nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Phi (AU), Nga, Trung Quốc. Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Amr Moussa, người đã chỉ trích các cuộc không kích này, không đến London nhưng ông lại cử cấp phó tham dự. Chủ tịch Ủy ban AU Jean Ping cũng không hiện diện tại thủ đô của Anh. Ông Jean Ping đã nhấn mạnh rằng, AU phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài ở Libya và bày tỏ sự bất bình với lực lượng phương Tây khi không tham vấn cơ quan này trước khi tiến hành chiến dịch. Nga vẫn giữ quan điểm thúc giục liên quân ngay lập tức ngừng bắn tại chiến trường Bắc Phi. Trong khi đó, Trung Quốc cũng phản đối các cuộc tấn công quân sự của phương Tây chống lại Libya.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.