.

Quan ngại hạt nhân sâu sắc

Giữa lúc dấy lên nhiều quan ngại về 3 thảm họa liên tiếp ở Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp xấu nhất, bất kỳ đám mây phóng xạ nào từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi cũng sẽ bị giới hạn, không như hệ quả của thảm họa Chernobyl ở Ukraine vào năm 1986.

Trong vụ Chernobyl, vốn được xem là thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới, lò phản ứng phát nổ đã gây ô nhiễm cho nhiều vùng rộng lớn của châu Âu. Còn tại nhà máy Fukushima Daiichi, khả năng nổ cả 6 lò phản ứng cũng được cho là giảm dần.

Jan Beranek, Giám đốc Chiến dịch hạt nhân quốc tế của Greenpeace, nhận định: Trong trường hợp xấu nhất, một đám mây phóng xạ sẽ không di chuyển quá xa trong khí quyển. Song, theo chuyên gia này, đây là tin tốt lành cho thế giới, nhưng lại là tin xấu với Nhật Bản.

Các nước châu Á bác bỏ việc bụi phóng xạ xuất hiện bên ngoài Nhật Bản, các nhà chức trách Tokyo cũng lên tiếng trấn an về nguy cơ thấp của việc phóng xạ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, khủng hoảng tại nhà máy Fukushima Daiichi đang trở nên nghiêm trọng từ vụ động đất, sóng thần và những nỗ lực làm lạnh lò phản ứng không thành công. Con số người chết vẫn không ngừng tăng lên. Dù người Nhật Bản những ngày qua được thế giới ngợi ca, khâm phục về sự kiên cường, nhưng để vượt qua được nỗi đau cùng mất mát quá lớn sẽ là chặng đường dài và thử thách lớn. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá thảm họa lần này vượt hơn sự cố hạt nhân ở Three Mile Island (Mỹ) vào năm 1979, vốn không gây nguy hại nhiều đến sức khỏe con người và cũng ít nghiêm trọng như vụ Chernobyl.

Một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc (LHQ) ước tính có thể thêm từ 4.000 - 9.000 người tử vong vì ung thư trong vụ Chernobyl. Song, tổ chức Greenpeace lại cho rằng, thảm họa ở Ukraine có thể gây ra hơn 250.000 trường hợp ung thư. Malcolm Crick - Thư ký Ủy ban Khoa học về ảnh hưởng của phóng xạ nguyên tử thuộc LHQ (UNSCEAR), cho rằng trường hợp ở Fukushima nghiêm trọng nhưng còn quá sớm để dự báo chính xác điều tồi tệ nhất có thể đến.

Nhật Bản có hơn 50 nhà máy điện hạt nhân và đã vạch kế hoạch để xây dựng hơn 20 nhà máy từ nay đến năm 2030. Tại quốc gia mà năng lượng hạt nhân cung cấp gần 30% nhu cầu năng lượng cho cả nước và được xem là giải pháp hữu hiệu để cắt giảm khí CO2, người Nhật giờ đây đang thật sự lo lắng...

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.