Các Ngoại trưởng trên khắp thế giới ngày 28-2 (giờ địa phương) nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận về giải pháp cho khủng hoảng ở Libya. Trong khi đó, lãnh đạo nhiều nước tiếp tục lên tiếng kêu gọi Tổng thống Muammar Gaddafi từ chức.
Lực lượng biểu tình chiếm giữ thành phố phía tây Zawiya. Ảnh: AFP |
Phát biểu trên đường đến dự hội nghị ở Geneva, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, bà sẽ đề cập đến sự hợp tác đối phó của châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi đối với tình hình ở Libya. Mỹ đang gây áp lực với các đồng minh châu Âu để áp đặt những biện pháp trừng phạt Chính phủ Libya. Không những tìm sự đồng thuận từ Anh, Pháp, Đức, Italia và Liên minh châu Âu (EU), Washington còn hướng đến thúc đẩy hợp tác trong tương lai của Nga, Australia để cộng đồng quốc tế thống nhất chống lại các cuộc tấn công khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng ở Libya. Nhà Trắng tuyên bố sẵn sàng viện trợ cho người dân nước Bắc Phi này để lật đổ nhà lãnh đạo nắm quyền hơn 4 thập niên qua.
Hãng AFP dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron nói với ông Gaddafi rằng, đã đến lúc ông này “phải ra đi và ra đi ngay bây giờ”. Chính phủ Anh trước đó đã “đóng băng” tài sản của vị Tổng thống nắm quyền ở Libya suốt 42 năm cùng gia đình ông ở Anh, khoảng 32 tỷ USD, hầu hết là những tài khoản ở London. Các cường quốc châu Âu cũng lên tiếng tương tự.
Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd nói rằng, Chính phủ Canberra cũng đang điều tra các cáo buộc gia đình ông Gaddafi giấu hàng triệu USD. Cùng với nhiều đại sứ nước ngoài khác, đại sứ Libya tại Nam Phi Abdalla Alzubedi ngày 28-2 cũng thúc giục ông Gaddafi từ chức. Song, ông Alzubedi cho rằng, nhà lãnh đạo của Libya sẽ không chấp nhận lời kêu gọi này và không dễ dàng từ chức.
Tại Libya, tính đến hôm qua (28-2), bất ổn bước sang ngày thứ 14, lực lượng nổi dậy đã giành quyền kiểm soát nhiều thành phố phía tây, trong đó có Zawiya, cách thủ đô Tripoli 50km. Tuy nhiên, ông Gaddafi vẫn thách thức và không có dấu hiệu nào xoa dịu những người biểu tình. Các nhà phân tích thậm chí hy vọng rằng, phe nổi dậy sẽ chiếm thủ đô và giết, hoặc bắt giữ ông Gaddafi.
CNN cho biết, Tổng thống Gaddafi đang tỏ ra quan ngại khi lực lượng an ninh bỏ sang phe đối lập tại một thị trấn gần thủ đô, đồng thời nước này phải đối phó với các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Ông Gaddafi đã chỉ trích nghị quyết trừng phạt của LHQ, cho rằng cơ quan quyền lực này đã đưa ra quyết định dựa vào các nguồn tin báo chí nước ngoài. “Nếu HĐBA muốn biết về điều gì đó, họ nên cử một ủy ban tìm hiểu sự thật”, ông Gaddafi nói. Kịch bản cho Libya vẫn là điều mà cộng đồng quốc tế và các nhà quan sát đặt ra.
Giới phân tích thậm chí lo sợ việc ông Gaddafi có thể dùng vũ khí hóa học để đối phó với lực lượng biểu tình, như cựu Tổng thống Saddam Hussein từng làm với người Kurd ở Iraq vào năm 1988. Trong trường hợp ông Gaddafi bị lật đổ như kịch bản của cuộc cách mạng hoa nhài xuất phát từ Tunisia, nội chiến vẫn có thể bùng lên ở Libya do bất đồng sâu sắc giữa các bộ tộc.
Theo cơ quan tị nạn của LHQ UNHCR, bất ổn tại đất nước giàu dầu mỏ thuộc Bắc Phi đang đặt ra tình trạng nhân đạo khẩn cấp khi khoảng 100.000 lao động nhập cư rời khỏi nơi này. Giữa lúc khủng hoảng, giá thực phẩm ở Tripoli đang tăng vọt, giá gạo - lương thực chủ yếu - tăng đến 500%, tương đương 40 USD/5kg. Các cửa hàng bánh mì bị giới hạn bán chỉ 5 ổ cho mỗi gia đình.
PHÚC NGUYÊN