.

Thế giới phản đối cuộc chiến Libya

.
Đợt tấn công mới của Mỹ cùng đồng minh lại dội xuống Libya, trong lúc nhiều quốc gia phản đối sự can thiệp của nước ngoài và kêu gọi đàm phán.

Mô tả ảnh.
Những người ủng hộ ông Gaddafi cầu nguyện tại Tripoli.  (Ảnh: NYT)
 
Trong lúc chiến sự ở Libya vẫn tiếp diễn, Liên đoàn Arab (AL) cho rằng, các chiến dịch ném bom bừa bãi xuống Libya đã vượt quá vùng cấm bay mà Liên Hợp Quốc áp đặt với quốc gia Bắc Phi này và gây nguy hại cho dân thường. Theo báo Telegraph của Anh, tuyên bố của AL đang ảnh hưởng đến tính hợp pháp của hành động quân sự do Mỹ, Anh, Pháp và Canada thực hiện chống lại Libya.

Kêu gọi đàm phán

Một tuần trước đó, chính AL cho rằng, Chính phủ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã không còn hợp pháp trong các cuộc nổi dậy như một phản ứng domino từ Tunisia, Ai Cập và Yemen. Tuy nhiên, sau các cuộc không kích bằng tên lửa và máy bay chiến đấu của phương Tây, Tổng Thư ký AL, ông Amr Moussa, khẳng định: Những gì diễn ra ở Libya khác với mục tiêu áp đặt vùng cấm bay và những gì mà tổ chức này mong muốn là bảo vệ dân thường, chứ không phải làm tổn hại đến những người dân khác. Ứng viên Tổng thống Ai Cập Moussa nói rằng, cuộc họp khẩn cấp gồm 22 thành viên thuộc AL sẽ được tổ chức để thảo luận về khủng hoảng ở Libya.

Cùng với AL, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ - 3 quốc gia bỏ phiếu trắng trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) vào tuần trước - tuyên bố các chiến dịch đánh bom của phương Tây đã vượt xa mục đích áp đặt vùng cấm bay và bảo vệ thường dân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi ngừng bắn, đồng thời chỉ trích các chiến dịch không kích của phương Tây đã nhằm vào những mục tiêu phi quân sự khiến 64 người thiệt mạng và 150 người khác bị thương.

Theo Telegraph, Trung Quốc bày tỏ hy vọng Libya có thể sớm khôi phục ổn định và tránh thêm thương vong cho dân thường. Chính phủ Ấn Độ cũng tỏ rõ quan ngại về bạo lực, xung đột gia tăng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình nhân đạo tại Libya. 

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tiếp tục chỉ trích cuộc chiến do Mỹ cầm đầu nhằm vào Libya và gọi chiến dịch này là điên rồ. Ông Chavez cảnh báo Tổng thống Mỹ Barack Obama không nên có bất kỳ nỗ lực can thiệp nào đối với quốc gia Nam Mỹ này. Nhà lãnh đạo Venezuela lên án Mỹ và phương Tây đã “đánh bom bừa bãi” ở Libya. “Ai cho những nước này có quyền đó? Mỹ, Pháp, Anh, hoặc bất kỳ nước nào cũng không có quyền đánh bom”, ông Chavez nói. Trong khi đó, một tuyên bố được phát sóng trên đài truyền hình Cuba cho biết, Bộ Ngoại giao nước này lên án mạnh mẽ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc xung đột nội bộ của Libya, đồng thời kêu gọi giải quyết xung đột bằng đàm phán, chứ không phải bằng quân sự.

Chính phủ Iran cũng phản đối các cuộc không kích Libya và đặt câu hỏi về mục đích thật sự của phương Tây khi tấn công vào đất nước Bắc Phi này. Phong trào Xã hội vì Hòa bình (MSP) của Algeria ra tuyên bố thúc giục phương Tây ngay lập tức ngừng việc dùng vũ lực chống Libya. Tân Hoa xã còn cho hay, khoảng 400 người đã tập trung tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha để phản đối việc quốc tế can thiệp quân sự vào Libya. Những người biểu tình giương cao các khẩu hiệu “Không đổ thêm máu vì dầu”. Trong động thái tương tự, tại Geneva (Thụy Sĩ), hàng trăm người đã xuống đường biểu tình thể hiện tình đoàn kết với người dân Libya.

Không kích lần hai

Lệnh ngừng bắn mới của Libya bị Mỹ bác bỏ. Sáng 21-3, các cường quốc phương Tây đã tiến hành đợt không kích thứ hai nhằm vào Libya. Một quan chức của liên quân cho hay, cuộc tấn công đã phá hủy toàn bộ khả năng chỉ huy và kiểm soát của nhà lãnh đạo Gaddafi. Theo các nguồn tin, dinh thự tầng 4 của ông ở phía nam Tripoli đã bị một tên lửa hành trình san phẳng. Các quan chức Mỹ nói rằng, Đại tá Gaddafi không phải là mục tiêu tấn công của các trận không kích và liên quân nhằm vào các lực lượng của ông cùng các hệ thống phòng không. Theo hãng AP, Ngoại trưởng Anh William Hague từ chối đề cập đến việc ông Gaddafi có khả năng bị ám sát hay không. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng nói rằng, sẽ không khôn ngoan khi đặt những mục tiêu cụ thể trực tiếp vào ông Gaddafi trong suốt các cuộc tấn công.

Bất chấp những tuyên bố của lãnh đạo AL, Qatar vẫn muốn tham gia vào hoạt động của quốc tế chống Libya với 4 máy bay chiến đấu. Động thái này đánh dấu Qatar là nước Arab đầu tiên tham gia vào chiến dịch chống Libya. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng khẳng định sẽ điều các máy bay F-16 gia nhập cùng đội quân của Đức tại căn cứ không quân ở Sardinia. 

Giá dầu tại châu Á ngày 21-3 đã tăng lên 103 USD/thùng ngay sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi tuyên bố một cuộc chiến lâu dài.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.