.
Thế giới tuần qua

Gaddafi và thăng trầm quyền lực

.
Đại tá Muammar Gaddafi là nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở cả châu Phi lẫn thế giới Arab. Ông đã giữ trọng trách cao nhất ở Libya kể từ khi lật đổ Vua Idris I trong cuộc đảo chính đẫm máu năm 1969. Khi đó, ông mới 27 tuổi.

Mô tả ảnh.
Ông Gaddafi nắm quyền gần 42 năm. Ảnh: AFP
Lên nắm quyền, Gaddafi tiến hành quốc hữu hóa lĩnh vực dầu mỏ của Libya, dùng một phần kinh phí này phát triển kinh tế. Ông đã làm nức lòng người dân Libya khi mức sống của họ được cải thiện đáng kể. Trong cái nhìn của họ, ông là thần tượng, là hiện thân cho một cuộc sống tươi đẹp. Tuy nhiên, việc Libya nổi lên với những quyết định khác người của Gaddafi lại được xem là trở ngại của Mỹ và phương Tây. Nhiều biện pháp cấm vận và trừng phạt đã liên tục “rót” vào Tripoli. 

Năm 2003, Libya nhận trách nhiệm về vụ đánh bom máy bay Pan Am (Mỹ) trên bầu trời Lockerbie của Scotland và chấp nhận bồi thường. Động thái này mở đường cho Liên Hợp Quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Libya. Vụ việc gây chấn động xảy ra vào năm 1988 khiến 270 người thiệt mạng và kéo theo hàng loạt hệ lụy trong quan hệ giữa Libya, Mỹ và Anh. Hầu hết trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Libya chịu cấm vận kinh tế và cô lập ngoại giao, xuất phát từ việc từ chối dẫn độ 2 nghi phạm nước này liên quan đến vụ đánh bom Pan Am sang Mỹ. 

Cũng trong năm 2003, sau khi cam kết chống lại Al-Qaeda, Đại tá Gaddafi từ bỏ nỗ lực phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, tạo bước tiến xích lại gần hơn với Mỹ và phương Tây. Ông đã có những chính sách nhượng bộ cả về chính trị và kinh tế với phương Tây để giảm thiểu gánh nặng trợ cấp cho Chính phủ Libya. Phát biểu trong lễ kỷ niệm 39 năm nắm quyền, Đại tá Gaddafi từng khẳng định rằng sẽ không còn chiến tranh, cướp bóc hay những hành động khủng bố nào nữa. Lúc đó, “tượng đài” Gaddafi vẫn vững chãi. Ông vẫn là niềm tự hào và người dẫn dắt tinh thần của dân tộc Libya.

Tuy nhiên, khi bước qua mốc thời gian 41 năm lãnh đạo, ông Gaddafi lại phải chịu sức ép chưa từng có: Cuộc nổi dậy của người dân Libya, những người từng một thời ủng hộ ông. Qua đó, vị chính khách sinh năm 1942 này mới nhận ra lỗ hổng trong chính sách cai trị của mình suốt hơn 4 thập niên qua. Sự bất mãn âm ỉ, sự chia rẽ giữa các nhóm dân… Giá cả leo thang cùng tỷ lệ thất nghiệp do khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đẩy cuộc sống của người dân Libya vào thế khó khăn. Và hơn lúc nào hết, phương Tây đang không bỏ lỡ cơ hội “thọc tay” vào cục diện của nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba châu Phi.

Nhưng dù tình hình bất ổn, dù sức ép, dù áp lực lên đến đỉnh điểm, Đại tá Gaddafi vẫn không chịu từ bỏ quyền lực. Người ta càng thấy chân dung của một vị Tổng thống Libya vốn được mệnh danh là “chính khách kỳ cục”. Đứng trước biểu tình và kêu gọi từ chức rầm rộ khắp đất nước, ông Gaddafi vẫn lên truyền hình phát biểu, chỉ trích Al-Qaeda đã giật dây cho các cuộc bạo loạn và tuyên bố chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng. Ông thậm chí còn so sánh mình như Nữ hoàng Elizabeth II Anh, người đã trị vì đất nước gần 60 năm.

Trong khi Mỹ và phương Tây đang chằm hăm vào Libya, cuối tuần qua, nhiều quốc gia khác lên tiếng kêu gọi không can thiệp vào nội bộ nước này. Ông Zhao Qizheng, người phát ngôn Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc, cho biết Chính phủ Bắc Kinh phản đối sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài vào bất ổn ở Trung Đông. Thủ tướng Nga Vladimir Putin kêu gọi Mỹ và NATO không can thiệp vào tình hình Libya. Ông Putin cho rằng, hãy để người dân Libya tự quyết định số phận của họ. Thực tế, theo nhiều nhà phân tích, quan tâm của Mỹ cũng như phương Tây là nguồn lợi dầu mỏ to lớn ở một đất nước chỉ có 6,4 triệu người.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.